Hồi con tôi bắt đầu học mầm non, tôi đã loay hoay kiếm trường chọn lớp. Đầu tiên là các trường tư, tôi công nhận các trường tư làm dịch vụ khá tốt, cô giáo lúc nào cũng niềm nở, nhưng với học phí và tiền ăn khoảng bảy triệu đồng một tháng, thì trường tư lại yếu về cơ sở vật chất, do chi phí thuê mặt bằng quá cao, còn trường nào mà to đẹp thì học phí lại lên tới 10 triệu đồng một tháng.
Thế là tôi lại xin cho con vào trường công, chi phí quá rẻ so với trường tư. Nhưng may mắn, trường công chỗ tôi ở mới xây, cơ sở vật chất rất tốt, có sân chơi và các trò chơi cho các bé, có vườn để các bé tập trồng và chăm sóc cây, tôi hoàn toàn hài lòng.
Ấy vậy mà trong một lần họp phụ huynh, cô giáo có tham khảo việc lắp điều hòa cho các bé vì có nhiều buổi trưa khá nóng, và kêu gọi phụ huynh cùng đóng góp, vẫn có những phụ huynh nói: "Điều hòa thì trường kêu quận lắp, sao 'bắt' chúng tôi phải bỏ tiền ra lắp".
Còn lại đa số cũng đồng tình, nhưng do có người phản đối (mỗi người đóng vài trăm ngàn) nên lớp không thể mua điều hòa, mà phải thuê, mỗi tháng phụ huynh đóng ba chục ngàn tiền điện.
Tôi chợt nghĩ, các vị phụ huynh phản đối và đòi quận bỏ tiền lắp kia, họ đã thử cho con vào trường tư, hay họ có biết ở các vùng nông thôn, các em phải học trong những ngôi trường thiếu thốn thế nào chưa?
Vào các ngày lễ, Quốc tế phụ nữ 8/3, Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Tết tôi đều chủ động chuẩn bị chút quà nhỏ cho ba cô giáo ở lớp con tôi học, kèm theo lời cảm ơn các cô vì đã đồng hành và dạy dỗ con tôi từ khi bé mới chập chững. Những ngày mùa dịch, các cô than nhớ bé, có cô khó khăn bán đồ online cũng chả được mà tôi thấy xót xa.
>> Vì sao phụ huynh phản ứng tiêu cực mỗi khi nhà trường kêu gọi đóng góp?
Điều làm tôi nhớ nhất, là vào ngày tổng kết năm học, con tôi rời trường mầm non để vào lớp một, Zalo tôi có người nhắn tin kết bạn, nói là phụ huynh của một bé cùng lớp con gái tôi, mời tôi vào nhóm phụ huynh lớp đó.
Phụ huynh này nói muốn mời tôi ủng hộ mua quà cảm ơn các cô, tôi khá bất ngờ và vui, mặc dù trước đó tôi đã chuẩn bị quà và cảm ơn các cô rồi (mầm non mỗi năm một cô khác nhau).
Tôi đồng ý ngay, tổng có 18 phụ huynh trong nhóm, tôi gợi ý mỗi người góp 500 nghìn đồng nếu ai có điều kiện để mua quà tặng các cô, và bất ngờ có 16/18 người đồng ý.
Chúng tôi thống nhất người mua quà, người mang tặng cô và thay mặt tất cả các phụ huynh có con học trong lớp cảm ơn các cô đã đồng hành và chăm sóc các bé trong thời gian qua. Cô giáo rất xúc động và ngạc nhiên, cô cảm ơn phụ huynh và chúc các bé bắt đầu đi học "con chữ" với nhiều sức khỏe và chăm ngoan.
>> 'Hội phụ huynh minh bạch, cha mẹ học sinh ủng hộ tới 10 triệu đồng'
Với tôi, ý tưởng của vị phụ huynh kia làm tôi rất vui và có nhiều cảm giác thiện lành, ngày cuối cùng con đến trường rồi, mà họ vẫn muốn tri ân thầy cô, chứng tỏ đây là sự tôn trọng, biết ơn thầy cô chứ không phải nịnh nọt gì cô giáo (vì hôm sau các bé lên lớp một rồi), món quà tuy nhỏ, nhưng tôi tin sẽ mang lại nhiều niềm tin, niềm vui, sự biết ơn tới cả các cô giáo và các bé sau này.
Thời buổi cơm, áo, gạo, tiền. Ai cũng quay cuồng trong vòng xoáy đấy, nhiều lúc người ta quên đi, hoặc cố tình quên đi sự quan trọng của các thầy cô dạy dỗ con mình, có người còn cho rằng đó là trách nhiệm của thầy cô: đi dạy có lương, phụ huynh cũng phải đi làm kiếm tiền.
Họ bỏ mặc con mình cho nhà trường, nếu con hư, hay học kém lại đổ lỗi cho nhà trường. Thậm chí tôi thấy có người bữa nhậu tiền triệu, chỉ là ngồi chơi ăn nhậu vui không tiếc, nhậu hàng ngày. Nhưng khi nhà trường vận động đóng nọ, góp kia để hỗ trợ cho chính con mình có vài trăm ngàn thì chối đây đẩy, tìm lý do thoái thác có khi còn nói xấu trường và thầy cô trên mạng xã hội.
>> 'Nên thay đổi cách hoạt động chứ đừng loại bỏ hội phụ huynh'
Tôi chưa bao giờ quên, cái hồi tôi mới học lớp một ở trường làng, cách đây hơn 30 năm. Vào một ngày cuối năm, trời lạnh, mưa phùn, bố tôi là bộ đội, ông đóng quân ở Hà Nội về nghỉ Tết. Ông mua ba cái bánh khảo, bánh màu trắng bằng bột gạo, vỏ bọc bằng giấy màu trắng hoặc hồng nhạt.
Ông nói tôi mang sang biếu cô giáo nhân ngày Tết, cảm ơn cô vì đã dạy dỗ tôi. Tôi lon ton tự cầm túi bánh sang biếu cô, chỉ nói: "Bố con nói mang sang biếu cô ngày Tết và cảm ơn cô vì đã dạy con".
Nhà cô ở làng bên, đi bộ khoảng 700 m là tới. Tôi vẫn nhớ cô giáo khá ngạc nhiên và xúc động. Lớp hai tôi chuyển lên Hà Nội ở với bố mẹ. Năm nào vào Ngày nhà giáo Việt Nam, bố cũng chở tôi tới nhà cô giáo chủ nhiệm. Ông tới trò chuyện với cô, mang theo một chút quà nhỏ mà ông nói "chỉ là thể hiện sự tôn trọng và biết ơn cô đã dạy dỗ con tôi".
Cha mẹ tôn trọng và biết ơn, tôi tin con cái sẽ như vậy. Hãy đừng vì một vài khoản kêu gọi ủng hộ thầy cô, quỹ phụ huynh, trường lớp mà phán xét, định kiến, vì suy tới cùng, nó cũng sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp cho con mình mà thôi.
Và theo tôi được biết, nhà trường không bắt buộc phải đóng, nếu ai có đủ điều kiện thì đóng, ai không đủ điều kiện thì hoàn toàn có thể từ chối mà, sao lại đi phán xét, lên án đòi bỏ đi những điều tôi cho rằng rất nhiều người ủng hộ như vậy?
Moon Autumn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.