Lâu nay chúng ta chia tách tỉnh theo dân số. Dân số tăng, các đơn vị hành chính càng nhiều sao cho đảm bảo mỗi cán bộ trên bao nhiêu dân mỗi nơi như nhau. Đó là cách chia cào bằng vì mức độ phát triển kinh tế mỗi nơi mỗi khác. Địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, dù dân số ít hơn, cán bộ vẫn nhiều việc hơn.
Tôi cho rằng, nên chia tách đơn vị hành chính theo vị trí địa lý, đồng thời thay đổi lại chính sách tiền lương với cán bộ, trả lương theo GDP của địa phương. Ở tỉnh nghèo, cán bộ muốn có lương cao thì phải nghĩ ra cách để nơi đó phát triển kinh tế. Ngược lại anh muốn đi nơi có mức độ phát triển kinh tế cao, tức là có GDP cao – lương cao, thì anh phải chấp nhận cường độ công việc cao.
Chính sách như hiện nay thật sự là không khuyến khích cán bộ trẻ đi vùng sâu vùng xa nhận công tác.
Sự thăng tiến của họ phụ thuộc vào họ có thể tăng GDP của địa phương lên bao nhiêu phần trăm trong nhiệm kỳ mà họ làm lãnh đạo ở địa phương đó. Cạnh tranh thành tích quyết liệt giữa những cán bộ cấp thôn xã mới có người đạt thành tích cao nhất được bổ nhiệm lên cấp huyện. Cạnh tranh giữa cấp huyện mới chọn ra người lên cấp tỉnh.
>> 'Mức lương cố định khiến nhiều cán bộ làm việc không nhiệt tình'
Nơi có kinh tế dựa vào nông nghiệp thì không có cán bộ có hiểu biết về cây trồng vật nuôi đặc thù của địa phương. Tôi dám nói, nếu đặt thành tích GDP, cán bộ địa phương sẽ không để nông dân "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Người nông dân có lời mới có tiền để đóng thuế thì cán bộ mới có thành tích chứ. Không có sức ép thành tích, không đào bới ra được năng lực của cán bộ, làm sao có người tài để lãnh đạo?
Những nơi có tốc độ phát triển kinh tế cao như TP HCM, Hà Nội do dân đông, mật độ dân số cao, sinh hoạt đắt đỏ, cạnh tranh gay gắt, tự người ta phải tìm mọi cách nâng cao mức sống của bản thân.
Yêu cầu đối với cán bộ ở nơi này không phải là phát triển kinh tế mà là cân bằng an sinh xã hội, giảm bớt tối đa tệ nạn xã hội (trộm cướp, mại dâm, cờ bạc, nghiện ngập, ăn xin, nói thách...), những phát sinh tiêu cực do quá tải công trình công cộng (cầu đường, bệnh viện, trường học, ....), các vấn đề về môi trường, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Có địa phương đưa ra các điều kiện ưu đãi để thu hút nhân tài. Nhưng ngoài những ưu đãi mang tính chất cố định, nhân tài cần điều kiện làm việc để phát huy tài năng, để thăng quan tiến chức. Vì thế, để thu hút nhân tài, ngoài điều kiện làm việc thông thoáng ra, địa phương phải có công việc đủ để tạo sức ép, tạo thách thức mới thu hút được sự quan tâm của họ.
Áp lực thành tích loại này lớn hơn rất nhiều so với áp lực thành tích về phát triển kinh tế và đòi hỏi mọi cán bộ đều phải có bằng cấp chuyên môn cũng như làm việc đúng ngành đúng nghề.
Tóm lại, muốn giảm bớt số lượng đơn vị hành chính thì phải nâng cao yêu cầu về năng lực chuyên môn của cán bộ, là những người thi hành những chính sách do cán bộ lãnh đạo (dân cử) đề ra.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.