Ngày trước, thời kinh tế bao cấp chưa qua thị trường chưa tới, nhiều lĩnh vực còn thiếu quy định pháp luật. Xây cái nhà phải có bản vẽ của kiến trúc sư, phải có thiết kế kỹ thuật đảm bảo tính an toàn khi thi công của ông kỹ sư xây dựng. Trong khi đó, các trường đại học xây dựng mỗi năm chỉ cho ra trường vài chục người. Tìm được người có bằng chuyên môn này để thuê vẽ thôi cũng mất kha khá thời gian. Người ta nghĩ đến chuyện thuê sinh viên chưa tốt nghiệp để vẽ. Bản vẽ xây dựng đó có tính an toàn thấp, dẫn đến nhiều công trình kém chất lượng. Thời đó chưa có công chức, nhiều công trình đòi người vẽ phải có bằng cấp chuyên môn để chứng minh. Thế là phát hiện gian lận đủ kiểu. Rồi phát sinh ra chuyện "chạy" bản vẽ. Không có bằng cấp chứng minh thì thay bằng phong bì. Và, phong bì làm hỏng cán bộ.
Từ bản vẽ xây dựng cho đến đo đạc đất nền, sổ đỏ sổ hồng, xác nhận đất thổ cư cho đến quy hoạch các dự án, nhiều nơi phải dùng phong bì. Cơ quan chức năng chưa kịp xây dựng các quy định mang tính pháp lý, còn người dân không muốn chờ đợi – xếp hàng.
Nhà nước tạo ra giấy phép để rút ngắn thủ tục thì người dân tạo ra phong bì để xin cái giấy phép ấy. Lâu dần tạo thành văn hóa xin cấp giấy phép - nộp phong bì - cho giấy phép gọi tắt là văn hóa xin - cho.
Văn hóa này không chỉ diễn ra ở ngành xây dựng, bất động sản mà có thể xảy ra ở nhiều nơi khác. Phải có hộ khẩu thì mới làm ra được giấy chứng minh nhân dân, phải có giấy chứng minh (của hai người khác giới) mới làm ra được hôn thú, phải có hôn thú mới làm ra được giấy khai sinh (cho con cái), phải có giấy khai sinh thì con cái mới được nhập học. Lên phường chứng lý lịch để nhập học, chỉ cần giấy khai sinh là đủ, người ta đòi phải có một loạt những giấy tờ ở trên để gây khó.
Đây chỉ là trường hợp đơn giản. Trường hợp phức tạp là 2-3 cái giấy khác nhau để tạo ra một cái giấy gì đó. Thay vì chỉ cần cái giấy đó thì họ đòi tất cả những cái giấy tạo ra cái giấy đó. Giấy nào cũng do cơ quan nhà nước cấp, chả lẽ không đủ độ tin cậy? Nếu nộp phong bì thì sao? Ờ, thì chỉ cần một giấy là đủ, mấy cái giấy kia khỏi trưng ra.
Có những thủ tục mang tính pháp lý, có những thủ tục tự biên tự diễn. Hộ dân chưa nộp nghĩa vụ công ích gì đó thì địa phương không xác minh lý lịch. Đi nộp thuế, chúng tôi đòi hỏi ý nghĩa chức năng của thuế môn bài, nhiều nhân viên thuế không trả lời được. Thuế môn bài là nguồn thu để bảo hộ quyền sở hữu thương hiệu nhãn hiệu, để cơ quan chức năng có chi phí mà chống hàng nhái hàng giả nhãn hiệu. Cán bộ thuế không trả lời được. Phải học chuyên ngành tài chính mới biết, không học làm sao biết? Làm việc trái ngành trái nghề thì thế thôi.
Khi làm trái ngành trái nghề thì khi phát sinh tiêu cực sẽ không biết giải quyết từ chỗ nào. Đường mới xây đã hỏng, cầu mới xây phải gia cố lại xảy ra ở nhiều nơi. Nói trắng ra, nếu nhân viên cơ quan nhà nước làm không đúng nghề nghiệp chuyên môn, tình trạng phong bì vẫn còn dài dài vì những người này rất giỏi đặt ra vô số thủ tục vô lý để "làm khó" dân.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.