Bộ Quốc phòng Belarus tháng này tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn ở ba khu vực của nước này, trong đó có khu vực gần biên gới Ba Lan và Ukraine. Binh sĩ Belarus, với sự hỗ trợ của Nga, thực hành tình huống "giải phóng lãnh thổ bị đối phương tạm chiếm" và giành lại kiểm soát các khu vực biên giới.
Động thái này làm dấy lên suy đoán rằng Belarus có thể tăng cường hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Nga, thậm chí đưa quân vào Ukraine. Tướng Oleksii Hromov, cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, cho rằng cuộc tập trận có khả năng mô phỏng nỗ lực chiếm một số lãnh thổ Ukraine gần biên giới Belarus.
"Rất có thể 'vùng lãnh thổ bị mất' mà họ nói tới là các khu vực biên giới Ukraine như Volyn, Rivne và Zhytomyr", ông Hromov nói, lưu ý rằng quân đội Ukraine đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.
Trong cuộc xung đột Ukraine, Tổng thống Alexander Lukashenko đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhắm vào mục tiêu ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Lukashenko đã không điều quân đội sang Ukraine để hỗ trợ Nga, đồng minh thân cận nhất của Belarus.
![Vị trí của Belarus. Đồ họa: Washington Post.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/25/-9761-1664101559.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wa65NNtuuuervkCtoNG6-g)
Vị trí của Belarus. Đồ họa: Washington Post.
Sau đợt tập trận mới nhất của Belarus, nhiều người đặt câu hỏi liệu Minsk có định thay đổi chiến thuật và triển khai quân sang Ukraine hỗ trợ chiến dịch quân sự của Moskva hay không, nhất là khi lực lượng Nga gần đây phải liên tục rút lui sau cuộc phản công chớp nhoáng của Kiev. Tháng trước, ông Lukashenko nói rằng máy bay chiến đấu Belarus đã được điều chỉnh để có khả năng mang vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận với Nga. Ông cảnh báo Mỹ và các đồng minh không nên thực hiện "hành động khiêu khích" chống lại Belarus, nhấn mạnh Minsk "đã lựa chọn sẵn mục tiêu để trả đũa".
Tuy nhiên, Tatsiana Kulakevich, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Nga, châu Âu và Á-Âu thuộc Đại học Nam Florida, cho rằng Belarus có nhiều lý do để không đưa quân vào Ukraine và đợt tập trận chỉ là "đòn gió" của Minsk nhắm vào Kiev.
Theo Kulakevich, nếu đưa quân tới Ukraine, Tổng thống Lukashenko sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát với lực lượng vũ trang của mình.
Bất kỳ đơn vị quân đội nào được Belarus cử tới Ukraine đều sẽ phải chịu sự chỉ huy của các sĩ quan Nga. Động thái này, kết hợp với xu hướng hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước, có thể thúc đẩy khả năng hợp nhất nền kinh tế, cấu trúc quân sự cũng như chính trị giữa Nga và Belarus.
Năm 1999, Tổng thống Lukashenko đã ký một thỏa thuận với tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó để tiến tới thống nhất kinh tế và chính trị giữa hai nước, nhưng thỏa thuận này không được thực hiện đầy đủ. Giới chuyên gia đánh giá thỏa thuận sẽ khiến quyền lực của ông Lukashenko suy giảm nếu được triển khai toàn diện.
Tuy nhiên, hợp tác giữa Nga và Belarus đã trở nên sâu sắc hơn đáng kể từ năm 2020, khi Tổng thống Vladimir Putin hỗ trợ Belarus trấn áp các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử quy mô lớn. Quyết định nhận hỗ trợ từ Nga của ông Lukashenko được xem là bước ngoặt lớn sau nhiều năm ông cố gắng đi theo chính sách cân bằng Đông - Tây.
![Xe quân đội Nga chuẩn bị rời sân ga sau khi tới Belarus hồi tháng 1. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/15/-3591-1663222781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H9foKyXI65gcj3wPPJfTBg)
Xe quân đội Nga chuẩn bị rời sân ga sau khi tới Belarus hồi tháng 1. Ảnh: AP.
Vào tháng 11/2021, cùng với các thỏa thuận về kinh tế và năng lượng, hai lãnh đạo Nga và Belarus đã thông qua một học thuyết quân sự chung mới. Sau đó, vào tháng 2 năm nay, Moskva và Minsk tổ chức các cuộc tập trận chung gần biên giới giữa Belarus và Ukraine, tạo ra lý do hoàn hảo để Nga đưa khoảng 30.000 quân sang lãnh thổ nước láng giềng và chuẩn bị cho chiến dịch Ukraine ngày 24/2.
Tuy nhiên, ông Lukashenko đã tích cực phi quân sự hóa quân đội Belarus kể từ khi xung đột quân sự Ukraine nổ ra, bằng cách chuyển giao thiết bị quân sự và đạn dược cho ông Putin. Tới tháng 8, Nga đã nhận hơn 12.000 tấn đạn dược từ Belarus. Những bước đi này làm giảm áp lực buộc ông Lukashenko phải điều động quân đội tham gia trực tiếp chiến dịch ở Ukraine.
"Những biện pháp như vậy có lẽ phản ánh sự cảnh giác của ông Lukashenko về khả năng để quân đội Belarus nằm dưới quyền chỉ huy của Nga, nếu điều động quân tới Ukraine. Bởi điều đó sẽ tạo cơ hội cho Moskva thiết lập hiện diện quân sự lâu dài ở Belarus, dẫn tới khả năng làm suy yếu quyền lực của ông Lukashenko", Kulakevich nhận định.
Lý do thứ hai là các lệnh trừng phạt đã làm suy yếu ủng hộ từ các đồng minh trong nước với ông Lukashenko, theo Kulakevich.
Tổng thống Lukashenko nắm quyền lực, nhưng một số người thân cận trong nội các của ông dường như phản đối việc ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Xung đột quân sự kéo dài ở Ukraine đã dẫn tới áp lực trừng phạt liên tục với nền kinh tế Belarus và các lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như các lệnh trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo quân sự nước này.
Hồi tháng 4, ông Lukashenko đã cố gắng tiến hành cuộc đàm phán bí mật với phương Tây nhưng không thành công. Ngày 6/4, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei đã bí mật gửi thư yêu cầu các nước Liên minh châu Âu từ bỏ chính sách trừng phạt và khôi phục đối thoại với Belarus. Tuy nhiên, EU không trả lời và bức thư đã bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông.
Một nguyên nhân khác khiến ông Lukashenko khó có thể điều động quân tham chiến ở Ukraine là người dân Belarus không ủng hộ cuộc chiến của Nga.
Đa số người Belarus không muốn đất nước của họ tham gia vào cuộc chiến chống lại Ukraine. Theo cuộc thăm dò của Chatham House hồi tháng 8, chỉ 5% người Belarus ủng hộ điều động quân hỗ trợ Nga, trong khi 2% muốn Minsk đứng về phía Kiev. Khoảng 70% người Belarus cho biết họ phản đối tham gia xung đột.
Những lời kêu gọi hòa bình của ông Lukashenko phản ánh mong muốn của phần lớn công chúng nước này. Việc giữ quân đội tránh xa cuộc chiến cho phép ông Lukashenko xoa dịu những bất bình của công chúng sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, trong đó nhiều người cho rằng ông đã gian lận bầu cử.
Đồng thời, người Belarus cũng thể hiện tình đoàn kết với Ukraine. Ngày 26/3, khoảng 200 tình nguyện viên Belarus đã gia nhập tiểu đoàn Kastus Kalinouski, tên một nhà văn và nhà cách mạng người Belarus ở thế kỷ 19, và tuyên thệ tham gia lực lượng vũ trang Ukraine. Hai tháng sau, ngày 21/5, tiểu đoàn tuyên bố mở rộng thành trung đoàn.
![Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phía ngoài) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva hồi tháng 9/2021. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/15/-2163-1663222781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AEKbs4XqqzSZd5KDx5aQhg)
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phía ngoài) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva hồi tháng 9/2021. Ảnh: AFP.
Nhà nghiên cứu Tatsiana Kulakevich cho biết nguyên nhân cuối cùng là Belarus không có lực lượng quân đội dư thừa để hỗ trợ Nga.
Đa số binh sĩ phục vụ trong quân đội Belarus là lính nghĩa vụ, do đó nhiều người trong số họ có thể chỉ quan tâm hoàn thành thời gian yêu cầu. Số lượng binh sĩ chuyên nghiệp của Belarus chỉ khoảng 45.500 người, chưa tới 1% dân số.
"Quân đội Belarus có thể hiểu rõ rằng bất kỳ binh sĩ nào được cử đi tham chiến ở Ukraine đều có thể từ chối phục vụ hoặc tìm cách đào tẩu", Kulakevich cho hay.
Lực lượng đặc nhiệm của Belarus, ước tính khoảng 4.000-6.000 người, đóng vai trò quan trọng trong nước. Năm 2020, cùng với cảnh sát, lực lượng này đã tham gia tích cực để trấn áp các cuộc biểu tình. Do đó, giới quan sát cho rằng ông Lukashenko không thể từ bỏ đội quân này vì họ giúp đảm bảo quyền lực của ông.
Sau khi Nga công bố lệnh động viên một phần hôm 21/9, xuất hiện thông tin rằng Belarus cũng sẽ phát lệnh động viên. Tổng thống Lukashenko sau đó bác bỏ, nói rằng đây là tin giả do phe đối thủ của chính quyền tung ra.
"Với tương quan sức mạnh yếu hơn Nga, Tổng thống Lukashenko có rất ít lựa chọn ngoài việc nghe theo những yêu cầu từ Moskva. Tuy nhiên, việc chần chừ điều quân đội tới Ukraine của lãnh đạo Belarus cho thấy ông nhận thức sâu sắc rằng cần phải duy trì khoảng cách nhất định với Nga", nhà nghiên cứu Kulakevich nhận định.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)