Khi đọc bài "Từ lúc gia đình tôi khá giả lên, hàng xóm bỗng nhiên xa lánh", tôi thấy trường hợp gia đình tác giả Lưu Minh Tâm cũng giống gia đình tôi, đó là định kiến làng xã.
Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông đông anh em, bố nát rượu như trên các bộ phim truyền hình chuyển thể. Từ năm 1998, nhà tôi đã được xếp vào gia đình nghèo của xã và luôn thuộc diện xóa đói giảm nghèo.
Chữ nghèo theo anh, chị, em tôi suốt tuổi thơ đến khi hết đại học. Với tôi đó là những tháng ngày nghèo khó tối tăm, sống trên những mớ rau, con cá của mẹ và sự khinh miệt nghèo khó của họ hàng, làng xóm. Bù lại, anh em tôi chăm chỉ, ngoan ngoãn học hành.
Mẹ tôi làm lụng vất vả với một tia hi vọng tươi sáng là con cái có công việc tốt và thành người, để đáp lại những lời khinh miệt của họ hàng và làng xóm. Anh chị tôi lần lượt tốt nghiệp và có công việc ổn định.
Năm 2011, tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi và vài giải quốc gia. Tuy nhiên cũng là lúc biến cố xảy ra, mẹ tôi đổ bệnh nặng thập tử nhất sinh. Anh chị tôi lo tiền chạy chữa cho mẹ qua cơn nguy kịch.
>>Nguyên nhân người Việt hay đố kỵ, 'dìm hàng' nhau
Khi mẹ về, họ hàng xì xào nói mẹ sao không chết đi cho con cái đỡ khổ. Mặc họ khinh miệt, anh em tôi vẫn đoàn kết. Ra trường, tôi đảm nhiệm việc chăm lo bố mẹ để anh chị làm ăn kinh tế, vì đã có gia đình, con cái. Tôi ở xa nên cuối tuần mới về thăm bố mẹ. Mỗi lần về, họ hàng lại xì xào: "Sao chỉ mình mày lo bố mẹ, các anh chị mày đâu rồi?...". Tôi bỏ ngoài tai những lời họ nói.
Năm 2016, anh chị tôi có nhà cửa đàng hoàng. Tôi cũng lập gia đình, mua đất và làm nhà sống ở ngoại thành. Lúc này, họ hàng chuyển từ ánh mắt khinh miệt sang đố kỵ, ghen ghét. Họ xì xào rằng tôi vay nợ và bên ngoại cho.
Đỉnh điểm nhất của sự ghen ghét là ngày giỗ ông nội. Họ không muốn làm giỗ tại nhà tôi cho dù bố tôi là trưởng. Họ đưa ra nhiều lý do, mẹ ốm, bố nát rượu nhưng anh em tôi vẫn bình tĩnh. Nếu họ không muốn làm giỗ ở nhà bố mẹ thì không ép, nhưng anh tôi nhất quyết vẫn cúng ông bà nội tại nhà.
>>Bao giờ hết cảnh người Việt chê bai, kỳ thị nhau?
Ông bà có câu: "Giàu thì bị ghét, nghèo thì bị khinh, thông minh thì bị tiêu diệt" đâu có sai. Tôi làm việc đã trải qua ba nhà máy. Đầu tiên là công ty của Nhật Bản, tôi làm 2 năm và mọi thứ với tôi là màu hồng. Tôi chăm chỉ làm việc, sếp tin cậy hướng dẫn mọi thứ cho tôi gần như tất cả những gì ông ấy biết.
Vì sếp có về nhà tôi một lần và hiểu được gia đình, nghị lực của tôi. Lương tôi tăng nhanh chóng năm đầu. Cuộc sống với tôi thật là màu hồng, hạnh phúc khó tả khi chăm lo được cho bố mẹ và có tiền tích lũy.
Sau đó, tôi chuyển qua công ty của Mỹ. Tôi được trọng dụng và đồng nghiệp, bạn bè đều quý trọng. Tôi không đố kỵ hay ghen ghét ai, mọi người đối xử với tôi rất tốt.
>>Tại sao chúng ta luôn chê bai người giàu?
Năm 2016, tôi chuyển qua nhà máy thứ 3 của một doanh nghiệp Việt. Ở đây, tôi mới hiểu khái niệm "thông minh thì bị tiêu diệt" là đúng. Tôi bắt đầu với vị trí trưởng phòng thiết kế. Trong quá trình làm việc hết người nọ đến người kia nói tôi chẳng biết gì. Họ lúc nào cũng tỏ ra là am hiểu, nói tôi làm như vậy mà hưởng lương cao.
Họ muốn tôi nghỉ việc, nhưng giám đốc vẫn tin tưởng đó là điều tôi vẫn ở lại làm. Tôi bị điều chuyển qua nhiều vị trí quan trọng khác, tôi đều cố gắng hoàn thành, nói chung không thể xuất sắc nhưng mỗi bộ phận tôi đều tạo ra điểm khác biệt, định hướng rõ ràng và bàn giao cho người kế nhiệm.
Tôi không nói xấu bất kỳ ai, nhưng mọi sự nói xấu họ đều dành cho tôi. Sau hai năm gắn bó, tôi xin nghỉ vì không thể phù hợp và gắn bó lâu dài trong môi trường đó được.
Bây giờ tôi nghỉ ngơi một tuần rồi tìm công việc mới. Tôi hy vọng sẽ tìm được công ty mà ở đó không có khái niệm "thông minh bị tiêu diệt".
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.