Hiện nay ngày càng xuất hiện quá nhiều “nhà đạo đức”, họ phê phán người khác chỉ vì cái tôi của mình, chỉ vì không muốn người khác hơn mình. Đó là một thực tế tại Việt Nam chúng ta.
Họ chê nhà giàu là “trưởng giả học làm sang”, là trọc phú, thích khoe mẽ… Cứ cho rằng nhà giàu họ thật sự như vậy, nhưng chúng ta lại quên mất một điều là họ cái để mà khoe, còn những người đứng ra phê phán người khác thì khoe bằng cái gì? Chẳng lẽ phải khoe bằng niềm tin?
Họ cảm thấy chướng mắt khi người khác xài một chiếc Smarphone đắt tiền, họ cho đó là khoe mẽ nhưng họ quên một điều rằng hiện nay trên thị trường Việt Nam có rất nhiều loại hàng nhái (hàng Trung Quốc), kiểu dáng không khác gì hàng xịn.
Vậy những loại hàng này ai dùng? Chắc chắn không phải người có tiền, vậy trong trường hợp này ai mới là người khoe mẽ, ai mới là thùng rỗng kêu to? Chẳng qua anh ta cũng muốn xài, cũng muốn nở mày nở mặt với đời nhưng nhà không có điều kiện nên phải xài hàng nhái.
Chúng ta phê phán người khác đi xe SH, ta lặp lại điệp khúc phê phán họ khoe mẽ, vậy tại sao ta không chọn những con xe tầm mười mấy triệu mà đi? Cũng là phương tiện để đi lại mà thôi, tại sao phải chọn tay ga vài ba chục triệu làm gì? Cũng vì anh ta muốn hơn người đi xe số, nhưng chính anh ta lại phê phán người đi SH, tất cả cũng chỉ vì “ghen ăn tức ở”.
Thấy người giàu mua một món hàng nào đắt giá thì y như rằng người ta lặp lại điệp khúc: “Sao không để tiền đó làm từ thiện?”. Xin thưa rằng mục đích làm giàu là cho bản thân, gia đình, nếu ai cũng cố sống chết để làm giàu rồi đi làm từ thiện thì đã là một người yêu nước.
Tôi nghĩ, khi dân giàu thì tự động nước sẽ mạnh. Từ thiện là một việc hoàn toàn khác, chẳng lẽ họ làm quần quật chỉ để làm từ thiện và mỗi lần làm từ thiện lại phải bù lu, bù loa lên cho mọi người biết? Vấn đề ở đây là tâm lý không muốn người khác hơn mình chứ không phải vì cái tâm, thử hỏi những người phê phán đó đã làm được cái gì gọi là từ thiện cho đời hay chưa?
Nhà giàu mua một con xe nhập khẩu, mua một chiếc giường ngoại thì họ phải đóng thuế, mà số tiền thuế ấy không hề nhỏ, rồi còn đủ thứ chi phí. Số tiền đó được đưa vào ngân sách nhà nước, nhà nước cũng trích từ đó ra để làm cầu đường, trường trạm, công trình phúc lợi… Vậy chúng ta còn đòi hỏi gì ở họ, chúng ta muốn người giàu làm và chúng ta hưởng thụ hay sao? Chẳng lẽ họ lại không có quyền hưởng thụ?
Cái tôi muốn nói ở đây chính là thói phê phán người khác. Tại sao chúng ta luôn phê phán người giàu? Họ có đầu óc kinh doanh, làm ra tiền thì họ có quyền hưởng thụ. Họ đã đóng góp ngân sách cho nhà nước, vậy ta còn đòi hỏi gì ở họ? Tại sao ta cứ thích người khác phải thế này phải thế nọ, trong khi bản thân chúng ta lại cố gắng để được giàu như họ?
Ông bà ta có câu: “Hơn người thì bị ghét, thua người thì bị khinh”. Ta ghét họ nên khi phê phán chứng tỏ ta đang thua họ. Và chính chúng ta quên một điều rằng mình đang bị khinh, khinh không phải vì nghèo mà khinh vì thói đố kỵ, thói ghen ăn tức ở, vì không muốn người khác hơn mình và vì chúng ta không biết phấn đấu.
Thay vì phê phán người khác, chúng ta hãy cố gắng kiếm tiền như họ. Lúc đó. bạn muốn mua gì mua, muốn xài như thế nào là cách của bạn, còn bây giờ hãy kiếm tiền thay vì chỉ trích người giàu.
>> Xem thêm: Đừng dạy người đi SH cách tiêu tiền
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.