Phương án dời các tuyến xe khách cố định từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) qua bến mới được Tổng công ty giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư) gửi UBND TP HCM. Trước đó, bến xe mới khi khai thác hồi tháng 10/2020 có 22 tuyến chạy trên cự ly từ Quảng Trị ra Bắc (từ 1.100 km trở lên).
Theo Samco, 75 tuyến này có gần 1.700 xe, chiếm hơn 50% tổng số tuyến hoạt động ở bến xe Miền Đông cũ. Sau khi chuyển qua bến mới thời gian dự tính vào ngày 11/10, các xe sẽ chạy tất cả tuyến từ TP HCM hướng ra Bắc, trừ quốc lộ 14 đi Tây Nguyên. Hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.
Bến xe Miền Đông mới có tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, trên diện tích 16 ha thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm, kết hợp nhiều dịch vụ như kinh doanh bãi đậu, sửa xe; trạm tiếp nhiên liệu; giao dịch hàng hóa, thương mại...
Tuy nhiên sau gần hai năm hoạt động, bến luôn trong tình trạng vắng khách do cách trung tâm hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, bến cũ ở nội đô vẫn còn. Sở Giao thông Vận tải thành phố mới đây lên phương án tăng xe buýt kết nối với bến mới tạo thuận lợi cho khách, trong lúc chờ Metro Số 1 hoàn thành, mở rộng xa lộ Hà Nội cùng các đường xung quanh bến.
Sau khi các tuyến xe dời qua bến mới, bến xe cũ ở Bình Thạnh sẽ được quy hoạch làm bãi đậu cho xe buýt. Ngành giao thông thành phố dự kiến đề xuất giữ lại một phần chức năng bến cũ cho xe khách liên tỉnh chạy theo tuyến quốc lộ 13, 14... để thuận tiện cho khách vì lộ trình gần hơn khi chuyển qua bến mới.
Gia Minh