Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho biết ngày 22/9 tại buổi công bố kế hoạch di dời các tuyến xe phục vụ khai thác. Giai đoạn một dự kiến có 71 tuyến qua bến xe mới.
Để chủ động việc di dời, ông Huy cho biết bến xe đã thông tin đến doanh nghiệp làm thủ tục, ký hợp đồng với bến mới. Các đơn vị vận tải cũng được đề nghị hướng dẫn cho khách qua các kênh thông tin, treo băng rôn.
Thời gian đầu, 24 tuyến nằm trong kế hoạch di dời được đậu xe ở bến xe hiện hữu (quận Bình Thạnh) đón trả khách, sau đó qua bến mới làm thủ tục xuất bến. Việc này không quá ba tháng kể từ ngày 10/10, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thói quen đi lại của người dân. Bến xe hiện hữu chỉ thu phí lưu đậu, không thu phí dịch vụ xe ra vào.
Các tuyến xe không thuộc diện di dời nhưng có hành trình qua bến xe mới được trung chuyển khách tại đây nhưng nhà xe cần đăng ký làm điểm trung chuyển.
Giai đoạn đầu khai thác, hai tuyến xe buýt 603, 604 kết nối chạy từ bến cũ ngang qua bến mới. Nhiều tuyến buýt khác có lộ trình qua bến xe mới như 150, 601, 602, 55, 76, 67... tạo thuận lợi cho khách.
Ông Lê Thành Quang, phụ trách điều hành tập đoàn Mai Linh lo lắng bến xe mới nằm xa nội thành, thời gian đầu khách chưa quen, kết nối còn hạn chế, dễ dẫn đến hiện tượng "bến cóc, xe dù" bùng phát ở nội đô.
"Do đó các lực lượng như thanh tra giao thông, CSGT... cần tăng cường xử lý tình trạng này", ông Quang nói và cũng đề nghị việc dời các tuyến xe cần giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bến xe Miền Đông mới khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Bến xe đưa vào khai thác từ 10/10, sau 5 lần trễ hẹn.
Gia Minh