Thông tin được Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Võ Khánh Hưng nói ngày 24/6, khi đề cập đến các giải pháp tăng hành khách ở bến xe Miền Đông mới ở TP Thủ Đức.
Là bến xe lớn nhất nước (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng), song từ khi khai thác vào tháng 10/2020, mỗi ngày bến chỉ có 9-10 lượt xe xuất phát, bình quân mỗi chuyến 8 hành khách. Nguyên nhân chính ngoài bến cũ ở nội đô vẫn còn, thì bến mới cách trung tâm thành phố hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, làm khách e ngại.
Theo ông Hưng, bến xe Miền Đông mới hiện chỉ có 4 tuyến buýt kết nối trực tiếp và chạy ngang qua, gồm: số 150, 601, 602 và 604. Sở vửa yêu cầu đưa tuyến 150 vào nhà ga bến xe để khách thuận tiện ra vào. Đây là một trong những tuyến buýt có lượng khách đông nhất thành phố.
Nhiều tuyến buýt khác có lộ trình từ bến xe Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, sang bến mới cũng đang được tính toán. Đồng thời, nhà đầu tư buýt điện cỡ lớn ở thành phố đã có kế hoạch đưa thêm hai tuyến kết nối trực tiếp với bến xe. Các phương án này được cho sẽ tạo thuận lợi hơn để khách đi lại, trong lúc chờ Metro Số 1, mở rộng xa lộ Hà Nội cùng các đường xung quanh hoàn thành.
Liên quan kế hoạch dời các tuyến xe ở bến cũ qua địa điểm mới, ông Hưng nói việc này phụ thuộc vào Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới). Hiện, doanh nghiệp này chưa hoàn tất các thủ tục đất đai cho dự án nên không đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, bến xe Miền Đông cũ (hiện còn 135 tuyến), sau khi dời qua địa điểm mới sẽ được quy hoạch chức năng chính làm bãi đậu cho xe buýt. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết 1/500 ở bến xe này chưa được duyệt. Sở dự kiến đề xuất giữ lại một phần chức năng cho xe khách liên tỉnh chạy theo tuyến quốc lộ 13, 14... nhằm thuận tiện cho khách bởi lộ trình gần hơn khi chuyển qua bến mới.
Gia Minh