Thông tin nêu trong công văn vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường bộ, nhằm cập nhật, điều chỉnh danh mục chi tiết mạng lưới xe khách liên tỉnh tuyến cố định toàn quốc. Việc di dời 11 tuyến xe dự kiến từ ngày 1/8.
Đây là lần thứ 4 các tuyến ôtô khách liên tỉnh cố định hoạt động ở bến Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, dời qua bến mới sau khi nơi này đưa vào khai thác từ tháng 10/2020. Trước đó, ở giai đoạn đầu vận hành, tại bến mới có 22 tuyến cố định chạy trên các chặng đường xa từ 1.100 km trở lên. Thành phố sau đó tiếp tục dời thêm hơn 70 tuyến qua bến mới, bến cũ chỉ giữ lại một số tuyến đi khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Tuyên Quang, Bình Định, Phú Yên, hành trình theo quốc lộ 14.
Theo đại diện bến Miền Đông mới, sau khi dời thêm 11 tuyến cố định từ bến cũ, tổng số tuyến xe tại đây sẽ tăng lên khoảng 229. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở bến chỉ có khoảng 60 tuyến hoạt động vì nhiều chặng chưa có doanh nghiệp vận tải đăng ký, hoặc đã tạm dừng.
Bến xe Miền Đông mới có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm, kết hợp nhiều dịch vụ như kinh doanh bãi đậu, sửa xe; trạm tiếp nhiên liệu; giao dịch hàng hóa, thương mại...
Tuy nhiên sau gần 4 năm hoạt động, hiệu quả tại bến chưa như kỳ vọng, nhiều nhà xe giảm chuyến hoặc ngừng chạy do ít khách. Ngoài việc địa điểm mới nằm xa nội thành, giao thông kết nối chưa thuận lợi, tình trạng "xe dù, bến cóc" cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vắng khách tại bến xe mới.
Trước đó, để tạo thuận tiện cho hành khách ra vào bến Miền Đông mới, Sở Giao thông Vận tải TP HCM và doanh nghiệp vận tải đã triển khai nhiều giải pháp bao gồm tổ chức ôtô trung chuyển, tăng buýt kết nối bến xe; xây dựng và cải tạo hạ tầng xung quanh... Hiện, thành phố cũng cấm xe khách giường nằm vào nội đô 6-22h để giảm ùn tắc, tai nạn, hạn chế tình trạng "bến cóc, xe dù".
Gia Minh