Mỗi đội gồm một bác sĩ và 2 điều dưỡng, một xe cứu thương, từ ngày 1/6 đến khi hoàn thành đợt tiêm, khoảng 7-10 ngày.
Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện của Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được chuyển đến do vượt quá khả năng điều trị tại chỗ.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh được Chính phủ ưu tiên phân bổ 150.000 liều. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch để có thể sử dụng hết số vaccine này trong một tuần, quyết tâm chạy đua với thời gian để tiêm cho công nhân sớm được quay trở lại làm việc. Để thực hiện được kế hoạch này, ông Dương đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 200 điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ tiêm phòng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định Bộ Y tế có thể huy động 500 người hỗ trợ Bắc Giang thực hiện tiêm trong thời gian ngắn nhất.
"Bộ hoàn toàn có khả năng điều động số người lớn hơn. Hiện 500 sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã được tập huấn xong", Thứ trưởng Sơn nói.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Bắc Giang xây dựng kế hoạch thật chi tiết, bởi công nhân không tập trung 1-2 điểm mà ở trong các nhà trọ, ký túc xá, khu cách ly... Đối tượng tiêm vaccine ưu tiên là công nhân tại các đơn vị đang sản xuất, có thể bao gồm cả công nhân làm việc ngoài khu công nghiệp. Ngoài ra, còn ưu tiên cho các doanh nghiệp đang chuẩn bị sản xuất trở lại và các đơn vị khác.
"Bắc Giang cần yêu cầu các doanh nghiệp gửi ngay danh sách công nhân cho ngành y tế, để trên cơ sở đó tổ chức tiêm chủng cho công nhân", thứ trưởng Sơn đề nghị.
Hiện, tỉnh đã tiêm vaccine cho 8.177 trường hợp.