Bốn tháng trước, chàng trai 34 tuổi, quê Hoài Nhơn, Bình Định quyết định giao lại tiệm tạp hóa cho mẹ để vào TP HCM vì tin đây là mảnh đất vàng để thay đổi. Tín duy trì cuộc sống bằng công việc bán hàng qua mạng. Hàng ngày, dù phải gõ bàn phím bằng những khớp ngón tay, anh vẫn xây dựng một trang blog, viết chuyện đời mình làm bài học sống cho mọi người. Tín được một số diễn giả mời đến các buổi truyền cảm hứng để chia sẻ.
"Tôi muốn nghiên cứu về chứng khoán, rèn luyện để trở thành một diễn giả và hoàn thiện một cuốn sách bán lấy tiền ủng hộ người kém may mắn. Tôi muốn những người có số phận như tôi hãy lạc quan, tạo cho mình cơ hội sống tiếp, sống tốt", chàng trai có cuộc đời đầy biến động, quê Hoài Nhơn, Bình Định nói về dự định mới.
Năm 2010, sau khi lo xong công việc cho công ty tại Sài Gòn, trên đường về, anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tín được đưa vào điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy. "Lúc đó nó không thở được, phải dùng máy, bóp bóng", bà Bích Thư, mẹ Tín nhớ lại. Trong phòng con trai nằm, mười người vào thì có năm người "đắp mền" đưa ra.
Tín mở mắt trong cơn đau, thấy mẹ gục bên giường. Chàng trai bất động, phải truyền thức ăn trực tiếp vào dạ dày, bị tắt tiếng. "Ráng lên con, vài ngày nữa con sẽ khỏe lại, công việc, cuộc sống đang đợi con", bà mẹ nói nhưng không nghĩ con sẽ chẳng bao giờ đứng lên được nữa.
Mọi thứ sụp đổ. Nhưng thương cha mẹ, nước mắt anh chỉ chảy về đêm. "Sống hay là chết đây", anh đau khổ tự hỏi. Tín dằn vặt mình suốt ba ngày ba đêm rồi gạt những cơn đau để suy tính: "Chết là hết. Vậy nếu sống, phải làm gì với cơ thể bất động?". Kế hoạch hiện lên trong đầu, chàng trai chấp nhận mình là người khuyết tật. "Mình vốn là đứa gan lì, mạnh mẽ mà. Mình muốn đi tiếp xem phía trước còn thử thách gì", Tín tự nhủ.
Trước khi trở thành một người khiếm khuyết vận động, Nguyễn Chánh Tín từng bỏ học đại học đi khởi nghiệp. Như bao thanh niên quê võ, anh lên TP HCM học đại học, nuôi giấc mơ đổi đời. Để đỡ đần cha mẹ, Tín vừa lên giảng đường, vừa đi làm thêm đủ thứ việc từ bưng bê cho đến trực tổng đài. Anh bắt mối, rao bán điện thoại, máy tính xách tay qua mạng để tăng thu nhập.
Trong hơn chục bạn cùng lớp lên Sài Gòn, Tín là đứa tháo vát nhất, được bạn bè ví như "cỗ máy kiếm tiền". "Khi bọn tui còn ngây ngô, chỉ biết cắm mặt học thì nó đã có tiền rủng rỉnh tiêu. Tụi tui làm gì cũng sợ bị người ta gạt, còn nó thì ngày làm vài ba việc", anh Hồ Ngọc Hưng, đồng hương, từng ở cùng phòng trọ với anh Tín ngày sinh viên kể.
Đến năm thứ hai đại học, biết đam mê của mình không phải lĩnh vực xây dựng đang theo học mà là kinh doanh, Tín xin bảo lưu. Anh cùng góp vốn gầy dựng lại một công ty nhỏ đang trên bờ vực phá sản, đồng thời tiếp tục bán hàng xách tay qua mạng. Lúc đó, mỗi tháng, thu nhập của Tín khoảng 15 triệu đồng.
Doanh nghiệp ổn định trở lại, các dự án về tay, Tín háo hức khi thấy đường phía trước đang rộng mở. Nhưng cùng năm đó, vụ tai nạn khiến mọi thứ đột ngột đóng sầm lại.
"Tôi chấp nhận mình tàn, nhưng không chấp nhận phế", anh hạ quyết tâm khi xác định phải sống. Tín lao vào tập phục hồi chức năng và rời Sài thành về quê. Sau gần một năm, anh mới tự cầm thìa xúc cơm, không cần mẹ bón. Tín có thể cử động được cánh tay, gõ trên bàn phím bằng những khớp ngón tay.
Tiền nợ vay vốn sinh viên của ngân hàng đến hạn, tiền chạy chữa lên cả tỷ đồng. Nỗi lo ập đến cũng là lúc kế hoạch lúc nằm trong viện được Tín triển khai. "Giờ không bắt đầu bằng số 0 mà là số âm", anh tự nhủ.
Bằng điện thoại, máy tính, chàng trai liên hệ với đầu mối nhờ bỏ hàng, rồi chuyển cho người bán lẻ để lấy chênh lệch. Tín nhờ một người em hướng dẫn cách dùng mạng xã hội. Anh lên đó mở shop bán đặc sản Bình Định. Tín cũng kết nối với bạn bè, em út đang học và làm việc ở Sài Gòn, cung cấp nguồn hàng để lấy lợi nhuận.
Nằm một chỗ, nhưng Tín trả được nợ tiền vay sinh viên, tự nuôi được mình. Thấy ổn định, có chút vốn, anh dồn vào kinh doanh điện thoại di động qua mạng. Nhưng một đêm sốt cao năm 2012, trộm vào nhà "khoắng" sạch điện thoại, laptop, ví tiền, tổng khoảng 50 triệu đồng. Tay trắng lại về với trắng tay.
Ông Nguyễn Ngọc Thành (bố Tín) đỡ con dậy, giọng run run: "Mất hết rồi con ạ". Anh thở dài, vừa nói vừa cười: "Mất rồi thì thôi". "Sao con lại cười?", ông ngạc nhiên hỏi. "Không lẽ giờ khóc, con hết nước mắt rồi. Có khóc cũng chẳng lấy lại được nữa", anh đáp, giọng khô khốc. Từng mất một thứ quá lớn trong đời, cú sốc này với người khác là đáng sợ, nhưng Tín chịu được. "Quan trọng là mình còn sống. Không ai trong nhà mất mạng là may rồi", anh tự động viên.
Hàng xóm biết chuyện, gom tiền giúp anh mua lại một chiếc laptop cũ. "Họ tiếp thêm động lực cho tôi trên hành trình gian khó này. Tôi lại nợ thêm một món nợ ân tình", Tín như được tiếp thêm động lực.
Lần này, anh không làm một mình mà rủ bạn bè làm chung. Nhưng vì say sưa công việc, ngồi lâu, cái mông hoại tử. Nửa đêm, mẹ bật điện, thấy máu chảy khắp người anh. Tín giục mẹ: "Mẹ gọi taxi nhanh đưa con đi viện, nhanh lên không con chết mất. Con chưa muốn chết".
Tín mất hai tháng nằm viện và thêm hai năm để lành vết thương. Từ lúc bấy giờ anh hầu như không ngồi được mà chỉ nằm. Chàng trai khiếm khuyết mở rộng các mặt hàng ngoài đặc sản. Tín gọi điện cho các công ty có sản phẩm uy tín, đề nghị làm trung gian cho họ. Công việc giúp Tín có tiền ăn, trang trải thuốc men.
Ba năm sau ngày bị trộm hết tài sản, Tín dồn được vốn mở một tiệm tạp hóa "tự phục vụ". Anh liên hệ với bạn bè hỏi thăm về việc nhập hàng, giá cả, tìm nhà cung cấp duy nhất có thể bỏ hầu hết các mặt hàng tại nhà mình. Sau một tuần lập kế hoạch, Tín có cửa hàng tạp hóa riêng. Khách đến tự chọn thứ mình cần, được ông chủ báo giá và tính tiền. Sau đó, người mua tự bỏ tiền, tự lấy lại tiền thừa. Để có lợi nhuận cao, Tín thường săn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử, bán ra theo giá thị trường.
"Từ ngày có tạp hóa của Tín, cả xóm từ người già đến trẻ nhỏ đều tới đây mua. Ai cũng yêu thương và nể nghị lực của người không đầu hàng số phận như cậu ấy. Lúc nào Tín cũng xoay xở để có thể tự trang trải cho mình chứ không chấp nhận thành gánh nặng", chị Bảo Uyên, 43 tuổi, hàng xóm kể.
Trung bình một tháng tốn 5 triệu tiền thuốc, mỗi lần vào viện hết vài ba chục triệu nhưng 10 năm qua, anh Tín đều tự lo được cho mình. "Bố mẹ đã già, điều tôi dặn mình là không biến mình thành gánh nặng cho họ", anh nói.
Không chỉ nuôi sống mình, Tín còn là động lực cho những người khác vượt qua biến cố đời mình. Chị Huỳnh Thị Hiệp, 35 tuổi, ở Quảng Nam tình cờ đọc được chia sẻ của anh Tín trên mạng xã hội giữa lúc công việc trong lĩnh vực du lịch xuống dốc, chuyện gia đình trục trặc. Chị Hiệp chới với, không tìm được động lực và hướng đi.
"Tôi nể phục anh ấy vô cùng nên quyết định vào nhắn tin. Anh đã chia sẻ, động viên và định hướng cho tôi rất nhiệt tình. Giờ tuy vẫn khó khăn, nhưng tôi biết rõ con đường mình nên đi và có động lực để bước", chị Hiệp nói.
Ngưỡng cửa 2021 vừa sang, Nguyễn Tín đã kịp viết ra những mục tiêu, lên kế hoạch cho mình và bắt tay vào thực hiện. Dù nằm một chỗ, nhưng đầu Nguyễn Chánh Tín luôn "hành động" vì tâm niệm "chờ đợi sẽ là hỏng óc sáng tạo".
Phạm Nga