Tháng 3, cái lạnh chưa lắng xuống, ông Ma cẩn thận chuẩn bị găng tay vải, quần dày, mang theo nạng, cuốc, xẻng rồi đeo chân giả để chạy chiếc xe máy 3 bánh.
Ông Ma Sanxiao (70 tuổi) là cựu chiến binh sống ở Thái Hành Sơn, tỉnh Hà Bắc, vùng núi cao của Trung Quốc. Từ năm 2000, ông đã tham gia vào việc phủ xanh những ngọn đồi cằn cỗi.
Xe máy 3 bánh không thể đến nơi trồng cây, ông Ma phải mang theo dụng cụ và bò lên núi. Sườn núi nhiều đất đá, quần áo của ông dính đầy cây cỏ dại. Ông không thể sử dụng chân giả để leo vì sẽ làm chân của mình đau hơn.
"Không chân, thể lực của tôi bị hạn chế, nhưng những thứ này không thể ngăn cản tôi được. Tôi muốn được làm gì đó để góp phần bảo vệ môi trường và sẽ trồng ít nhất 300 cây mỗi năm", ông Ma nói.
Năm 1969, ông Ma gia nhập quân đội bị nhiễm trùng máu, ông đã phải trở về quê năm 1973.
30 năm sau, nhiễm trùng máu tái phát, dẫn đến viêm mạch máu, ông Ma phải cắt bỏ phần cẳng chân. Sau nhiều ca phẫu thuật, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần. Ông phải dựa vào công việc nhặt rác để duy trì cuộc sống.
Vô tình, ông nghe câu chuyện người nông dân Sơn Đông trồng cây để làm giàu. Từ số tiền đi nhặt rác, ông đã mua được nhiều cây giống để trồng trên các vách đá bỏ hoang. Cây phát triển nhanh, những người mua gỗ tìm đến trả giá mỗi cây 110 nhân dân tệ (khoảng 400 nghìn đồng).
Mục đích ban đầu trồng cây là để có tiền sinh hoạt, song ông Ma từ chối những lời đề nghị và quyết định không bán. "Bán cây cũng như bán đi gió và đất, những thứ đó là vô giá. Tôi đã xem cây như con của mình, như một người lính, tôi không thể chịu đựng được cái cảm giác phải đưa từng lưỡi cưa vào thân thể nó"
18 năm trồng cây, ông Ma chỉ bán 11 cây để quyên góp cho người dân trong trận động đất ở Vấn Xuyên và những học sinh nghèo ở nơi mình sinh sống.
May mắn, chính phủ trợ cấp cho ông 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng) mỗi tháng, có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Quan trọng hơn, từ năm 2008 đến nay, nhiều tình nguyện viên và các tổ chức đã cung cấp cho ông nhiều cây con miễn phí, các công cụ trồng cây. Họ đào giếng và nối 5.000 mét đường ống dẫn nước để ông không phải xách từng xô nước lên núi.
Dù vậy, bà Wang Xuerui, vợ của ông Ma cũng thường xuyên khuyên chồng nên tạm dừng công việc này lại vì thấy ông nhiều lần bị thương. Khi đi theo phụ giúp chồng, nhiều lần đôi chân của bà cũng bị sưng khớp nghiêm trọng.
Ông Ma chia sẻ: "Giờ đây có thêm nhiều người giúp đỡ nên vợ tôi có thể nghỉ ngơi an hưởng tuổi già rồi".
Trọng Nghĩa (Theo China News)