Một đêm tháng 4/2018, khi Tô Đình Khánh vẫn còn trong phòng phẫu thuật, bà Trần Thị Nhiên, 60 tuổi, mẹ anh, lặng lẽ trở về phòng trọ gấp, cất tất cả quần áo của con. Bà chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể đến với đứa con trai.
Hơn hai năm sau, cũng trong căn phòng trọ tại Sài Gòn, bà lại lôi những bộ đồ đó của con, đa phần là quần dài, giày thể thao ra dọn dẹp. Đình Khánh vừa quay video, vừa nhắc chuyện cũ, đăng tải lên mạng xã hội.
"Người ta nói khi nhắc lại nỗi đau mà không còn buồn thì vết thương đã lành. Tuy tôi bị cắt cụt đôi chân, nhưng được sống bên gia đình, bạn bè đã là một đặc ân", chàng trai nói.
Tô Đình Khánh là con đầu trong một gia đình nông dân có ba con. Thời còn nhỏ ở quê, ngày một buổi đi học, một buổi anh đi đẽo đá, vác đá lấy tiền công phụ giúp cha mẹ. Học hết cấp ba, Khánh vào Sài Gòn, nuôi giấc mơ mở shop thời trang. Anh tập tành bằng cách bán hàng online, vừa tự nuôi sống mình, vừa hỗ trợ gia đình. Ba anh em Khánh thuê một phòng trọ nhỏ sống chung.
Rồi Khánh có bạn gái, hai người dự định sẽ kết hôn vào năm 2019.
Tuy nhiên, cuộc sống của anh chỉ trôi qua bình yên cho đến ngày 24/4/2018. Lúc đó, chàng trai Tây Nguyên đang ngồi làm việc thì đột nhiên ngón chân tê cứng. Đôi chân như muốn nổ tung. Những cơn đau kéo đến dồn dập khiến Khánh choáng váng. Không thể đứng dậy, anh được bạn gái và hai em trai đưa đến bệnh viện, nhưng phải chuyển lên tuyến trên.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, bác sĩ nhận định anh sẽ phải cắt cụt hai chân do tắc mạch máu ở bụng. Cơ hội thành công của ca phẫu thuật là 50/50. Khánh lặng đi vì sốc. Vài phút trôi qua, cơn đau giục anh trấn tĩnh. "Các em ký giấy đồng ý phẫu thuật cho anh. Nếu chẳng may anh không sống được, hai đứa thay anh lo cho ba mẹ", Khánh cầm tay em trai, dặn dò.
6h sáng, khi đôi chân đã tím tái, anh được đưa vào phòng phẫu thuật. Căn phòng trắng toát, chỉ có ánh đèn lóa mắt, tiếng dao kéo khua vào nhau. "Sẵn sàng chưa cháu?", bác sĩ hỏi. "Cháu sẵn sàng lâu rồi ạ", Khánh nói rồi thiếp đi vì thuốc mê.
Sau năm tiếng, anh tỉnh lại và nhận ra mình còn sống. Chàng trai trẻ mở mắt, thấy quanh người chằng chịt dây nhợ và ống thở. Căn phòng lặng thinh. Đôi tay run rẩy, Khánh sờ xuống dưới, đau đớn nhận ra đôi chân bị cắt cụt đến đùi. "Mất chân thật rồi", anh tự nhủ rồi tiếp tục chìm vào hôn mê.
Nhưng bi kịch của Khánh chưa chấm dứt, sinh mạng của anh một lần nữa bị thách thức. Chỉ một tuần sau đó, phần chân còn lại tiếp tục hoại tử, buộc phải tháo đến khớp háng. Bà Nhiên kể lại: "Lần này bác sĩ nói với gia đình chuẩn bị tâm lý. Khả năng sẽ con tôi không còn cơ hội sống nữa".
Ngày Khánh vào phòng mổ lần thứ hai, hơn 20 người thân xếp hàng tiễn anh vào cuộc chiến sinh tử. Bà Nhiên vừa nắm tay vừa giục con niệm Phật. Trước khi tay rời tay, người mẹ thủ thỉ "Cố gắng sống để ra với mẹ con nhé".
Sau 10 ngày trong phòng hồi sức, Khánh tỉnh lại. "Câu nói của mẹ luôn trong tiềm thức, giục tôi phải mở mắt", anh tâm sự. Đôi chân bị cắt đến tận háng nên anh không thể đi chân giả như những người khác. Anh chủ động chia tay vị hôn thê, dặn cô xem mình như bạn bè.
Đêm đêm trong bệnh viện, những cơn đau và dự cảm tương lai đen tối ập đến. Anh nhiều lần nghĩ đến cái chết. "Nhưng nghe thấy cha mẹ - nằm dưới gầm giường bệnh của mình - nén tiếng thở dài, trằn trọc, tôi dặn mình phải sống", Khánh nhớ lại. Mẹ anh kể, suốt sáu tháng nằm viện, trước mặt bà, con trai chỉ cười, động viên ngược lại mẹ. "Nó không một lời oán thán, không khóc lóc. Nhưng buổi tối, tôi nghe tiếng con khóc thầm", bà Nhiên rớm nước mắt.
Thoát khỏi cửa tử lần thứ hai, chàng trai từng cao 1,7 mét chỉ ở lì trong phòng trọ. Bố mẹ anh cũng ở lại để tiện chăm sóc con trai. Những vết thương chưa lành, anh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc người thân. "Tôi sợ sự thay đổi của mình khiến những người xung quanh bàn bán. Tôi co cụm, âm thầm nếm trải cô đơn", chàng trai nói. Anh gần như không nói chuyện với bất kỳ ai trong gia đình.
Một năm cô độc, chán nản, Khánh nhận ra đó không phải bản chất của anh. "Phải tìm lại một Tô Đình Khánh như xưa. Không thể nguyên vẹn về hình hài nhưng cũng không thể khiếm khuyết tâm hồn nữa", chàng trai thúc giục mình. Anh lên mạng xã hội công khai về diện mạo mới và mua xe lăn ra phố. Khánh lấy hình mẫu Nick Vujicic, người đàn ông Australia gốc Serbia - không tay, không chân nhưng làm được mọi việc như người bình thường - làm động lực cho mình.
Vài ngày sau, biết tin thần tượng đến TP.HCM, anh bắt xe đến một hội trường lớn ở quận Gò Vấp nghe Nick diễn thuyết. "Cậu hãy tự tin lên, hãy thay tôi truyền động lực sống cho người khuyết tật ở Việt Nam", Nick nói với Khánh. Đó là những ngày cuối cùng của năm 2019, nhưng là khởi đầu cho cuộc sống mới của chàng trai không chân.
Anh bắt đầu tập cách đi lại bằng hai tay khi không có đôi chân. Ban đầu, những bước đi nặng nề, sức nặng từ cơ thể dồn lên cánh tay khiến các cơ đau nhức. Nhưng mỗi ngày, anh đều nỗ lực để tiến bước tiếp theo. Khánh hít đất khi không có lực từ đôi chân trợ giúp. Cơ thể được hai tay nhấc bổng lên không trung. "Cảm giác ban đầu hụt hẫng, nhưng tôi tập điều chỉnh dần. Chỉ cần đều đặn luyện tập, tôi có thể hít được 15 cái. Với mọi người, con số có lẽ ít, nhưng tôi đã rất nỗ lực", Khánh nói . Anh cũng tập chơi bóng bàn, leo cầu thang để rèn luyện thể lực.
Chàng trai 27 tuổi lập một kênh YouTube chia sẻ về những biến cố và cách mình vượt qua. Anh phụ mẹ nấu ăn, rửa bát, làm mọi việc như những người bình thường khác. "Có lần tôi định đưa nó đi vệ sinh thì nó kêu con đi rồi. Hỏi nó đi kiểu gì, nó nói dùng hai tay tự nhấc người lên bồn cầu", người mẹ kể.
Khánh tiếp tục công việc bán hàng online để có thu nhập, nhưng lời khuyên nỗ lực để trở thành một Nick Vujicic của Việt Nam vẫn khiến anh trăn trở. "Nếu không gặp biến cố, có lẽ tôi đã lấy vợ, sinh con, sống một cuộc đời bình dị. Nhưng bước qua lằn sinh tử, tôi muốn mình sống có ý nghĩa hơn", anh nói.
Hai tháng trước, Khánh đi giao hàng cho chị Lương Thị Mỹ Lan, 28 tuổi. Biết nữ khách hàng là một giảng viên tiếng Anh, anh chủ động nói về ước mơ của mình: "Em mong ngày nào đó có thể học nói được tiếng Anh để truyền cảm hứng cho mọi người từ chính câu chuyện của mình và đứng trước đám đông diễn thuyết như Nick Vujicic". Chị Mỹ Lan bảo với Khánh: "Hãy bắt đầu học luôn thay vì chờ đợi". Chị tình nguyện dạy Khánh học hai buổi trực tuyến và một buổi ôn kiến thức trực tiếp mỗi tuần.
Sau 10 năm rời lớp học, cậu trở lại làm học sinh. "Khánh học rất tự giác và chăm chỉ. Một khi đã lên kế hoạch học tập, em ấy đều nghiêm túc thực hiện. Có hôm tôi bận không thể hướng dẫn, em ấy chủ động tự học", chị Mỹ Lan nói.
Khi đã cân bằng được cuộc sống, Khánh nhận ra biến cố năm 25 tuổi không khiến mình yếu đuối và suy sụp. Ngược lại, nó giúp anh mạnh mẽ và tìm thấy lý tưởng của đời mình. "Mất đôi chân, nhưng tôi có thêm lẽ sống, có thêm tình yêu và khát khao truyền năng lượng sống tích cực đến mọi người", chàng trai chiêm nghiệm.
Nhật Minh