Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm 18/2 cho biết quân đội Nga đang triển khai 125 đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) gần biên giới Ukraine, trong đó khoảng một nửa đã vào vị trí tập kết chiến thuật, sẵn sàng tấn công khi có lệnh.
Số BTG được Nga triển khai ở gần biên giới Ukraine tăng đáng kể từ đầu tháng 2, khi Moskva tăng cường sức ép để quốc gia láng giềng và phương Tây nhượng bộ trước các yêu cầu an ninh của mình. Những đội hình tác chiến linh hoạt dựa trên khung tiểu đoàn bộ binh này được coi là "át chủ bài" trong chiến dịch gây áp lực quân sự của Nga.
BTG là thuật ngữ chỉ tổ chức chiến thuật dạng module tạo ra trên cơ sở một tiểu đoàn lục quân Nga, được phối thuộc pháo binh, phòng không lục quân, công binh và hậu cần cũng như không quân và đặc nhiệm khi cần thiết để có thể nhanh chóng triển khai năng lực tác chiến ở những nơi xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi đầu năm ngoái cho biết nước này đang duy trì 168 BTG, có khả năng sẵn sàng cơ động trong vòng một giờ từ khi có lệnh.
Mỗi trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, xe tăng Nga thường có ba tiểu đoàn cơ động. Phương tiện, khí tài của một trung đoàn, lữ đoàn có thể được rút ra để thành lập 1-2 BTG, mỗi đơn vị có khoảng 800 quân.
Một BTG thường được xây dựng dựa trên ba đại đội bộ binh cơ giới, trang bị 11 thiết giáp bánh xích BMP hoặc xe chở quân BTR-80/82, tăng cường thêm một đại đội xe tăng 10 chiếc. Lực lượng này được củng cố bằng 2-3 khẩu đội pháo phản lực cơ động hoặc pháo tự hành, với tổng cộng 12-18 hệ thống pháo binh, đủ sức tạo ra hỏa lực yểm trợ mạnh.
BTG còn có thể được phối thuộc 1-2 khẩu đội tên lửa phòng không, một đại đội trang bị tên lửa chống tăng dẫn đường tầm xa, cùng các trung đội công binh chiến đấu, tác chiến điện tử và trinh sát.
Với cấu trúc này, các BTG sở hữu nhiều năng lực đa dạng để giải quyết hàng loạt vấn đề chiến thuật phát sinh trên chiến trường mà không cần yêu cầu yểm trợ từ cấp trên.
Nghiên cứu của lục quân Mỹ cho thấy mô hình BTG rất hiệu quả trong tập trung nhanh chóng hỏa lực tác chiến tại một điểm cụ thể trên chiến trường, vùi dập vị trí cục bộ của đối phương bằng hỏa lực áp đảo, phát huy mạnh khả năng thọc sâu bằng các đơn vị cơ động.
"Tuy nhiên, lực lượng này không phải bất khả xâm phạm", biên tập viên David Axe của Forbes nhận định. "Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công tổng lực Ukraine, họ sẽ phải đối mặt với lực lượng đối địch được huy động đầy đủ và trên lý thuyết có số lượng đông hơn".
Theo Axe, mô hình BTG từng được phe ly khai thân Nga áp dụng ở miền đông Ukraine trong các cuộc đụng độ với quân đội chính phủ giai đoạn 2014-2015, song đôi khi bị đánh bại dù vượt trội về hỏa lực và năng lực tác chiến điện tử.
Tháng 8/2014, lữ đoàn tấn công đường không số 95 Ukraine tổ chức một cuộc đột kích, thâm nhập hơn 160 km vào sau chiến tuyến của phe ly khai, tấn công vào đội hình BTG, phá hủy hoặc bắt nhiều xe tăng cùng pháo, giải vây cho một số đơn vị rồi quay về nơi xuất phát.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Armor của lực lượng tăng thiết giáp lục quân Mỹ, đại úy Nicolas Fiore cho rằng hạn chế của cấu trúc BTG từng bộc lộ rõ trong trận Mariupol tháng 2/2015. Trong trận đánh, một tiểu đoàn xe tăng của phe ly khai quyết tâm chiếm thành phố Mariupol trước khi Thỏa thuận Minsk II được ký kết, song bị một đại đội xe tăng không đủ quân số của Ukraine chặn đứng.
"Phe ly khai tiếp tục tấn công trong ba tháng sau đó với lựu pháo và pháo phản lực yểm trợ, song không thể tiến vào vùng ngoại ô phía đông Mariupol", Fiore viết. "Với xe tăng và pháo binh tầm xa yểm trợ, lực lượng Ukraine ngăn cản thành công đợt tấn công, do phe ly khai không có đủ quân để tiếp tục gây sức ép".
Nghiên cứu của lục quân Mỹ cũng chỉ ra rằng mô hình BTG không có đủ quân số để bảo vệ khu vực rộng lớn hay tham gia một trận chiến kéo dài, đặc biệt là tác chiến ở khu vực đô thị. Do thiếu nhân lực, BTG sẽ phải dựa vào lực lượng dự bị hoặc không có trình độ tác chiến cao, như lính nghĩa vụ hay dân quân địa phương để bảo vệ bên sườn và giám sát đối phương.
"Đây chính là điểm yếu lớn nhất trong đội hình BTG. Nếu xung đột nổ ra, nó có thể làm chậm bước tiến của quân Nga, thậm chí ngăn chiến dịch tấn công tổng lực, dù lực lượng Nga có khả năng kiểm soát vùng trời, vùng biển và vượt trội về tác chiến điện tử", Axe nhận định.
Nhân lực là yếu tố chính khiến Nga tổ chức BTG để tận dụng hỏa lực pháo binh, thế mạnh truyền thống của nước này, đồng thời bảo vệ tài nguyên quý giá là lực lượng quân nhân chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản.
"Một trung đoàn lục quân Nga trên lý thuyết gồm ba tiểu đoàn, song thực tế chỉ lập được một BTG với khoảng 36 tiểu đội lính chuyên nghiệp. Trong khi đó, một trung đoàn lục quân Mỹ có thể lập đội hình tương tự với 60 tiểu đội", Axe cho biết.
Đại úy Fiore cũng cho rằng trong tác chiến, chỉ huy BTG sẽ phải tìm mọi cách bảo toàn lực lượng của mình, do mọi thiệt hại về quân số rất khó bù đắp.
Theo Axe, trong trường hợp chiến tranh nổ ra, các BTG của Nga có thể phải bố trí dàn trải tại những vị trí cố định trên chiến trường. Khi đó, Ukraine có thể huy động đủ lực lượng để kìm chân quân chính quy Nga tại chỗ, đồng thời điều lực lượng tấn công vào sườn BTG, nơi hệ thống phòng thủ của họ yếu nhất.
"Các mục tiêu này có thể bao gồm khu vực triển khai BTG chính, nơi đặt sở chỉ huy, các đơn vị tình báo và hỗ trợ quan trọng khác", Axe cho biết, nói thêm rằng điều này đã được thể hiện trong các trận đụng độ giữa quân chính phủ Ukraine với phe ly khai ở Donbass.
Axe cho biết những kinh nghiệm trên cho phép Ukraine rút ra chiến lược tấn công vào điểm yếu trong mô hình BTG của Nga. "Chống chịu các đợt pháo kích ban đầu của BTG và đòn tấn công trực diện tiếp theo có thể giúp cầm chân các tiểu đội bộ binh chính quy của đối phương. Sau đó, họ có thể mở đợt phản công nhằm vào khu vực tập kết của BTG để gây thiệt hại nặng", Axe viết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo phe tổ chức đột kích có nguy cơ trả giá đắt dù kế hoạch thành công. "Liệu các lãnh đạo quân đội và chỉ huy tiền tuyến của Ukraine có quyết tâm cầm cự trước đòn pháo kích hủy diệt từ hàng trăm BTG rồi phản công hay không? Đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ", Axe cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/2 cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến đánh Ukraine và cuộc tấn công có thể bắt đầu "trong những ngày tới". Ông chủ Nhà Trắng cho hay Moskva đang tiến hành chiến dịch tung tin giả, trong đó có cáo buộc Kiev lên kế hoạch tấn công, nhằm tạo cớ để binh sĩ Nga tiến vào Ukraine.
Đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền đông Ukraine đang leo thang. Một nguồn tin cho biết các trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015.
Nhiều vụ nổ ngày 18/2 được ghi nhận ở Lugansk và Donetsk, hai vùng ly khai ở Donbass. Phe ly khai ngày 18/2 thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân chính phủ Ukraine mở đợt tấn công nhằm vào phe ly khai, song chưa đưa ra bằng chứng. Quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc này.
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn lực lượng lớn sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)