Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết thiếc tồn tại dưới dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ. Trong đó, thiếc kim loại và thiếc vô cơ tương đối an toàn với sức khỏe con người, khó hòa tan trong nước hay môi trường xung quanh, "kể cả lò luyện thiếc, hơi vô cơ bay lên cũng không nguy hiểm".
Riêng các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, dễ hấp thu qua đường hô hấp, da và đường tiêu hóa. Độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl, được dùng làm chất ổn định nhựa, ổn định nhiệt và rất dễ bay hơi.
Theo ông Côn, rất khó phân biệt được đồ dùng hàng ngày làm từ thiếc vô cơ hay hữu cơ song hầu hết đồ dùng tráng thiếc đều an toàn. Thiếc khi đã thành phẩm không gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Nhiễm độc thiếc là vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở nước ta, nhất là những người làm tái chế rác thải nhựa. Các bệnh nhân đầu tiên đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, một người đàn ông 35 tuổi đã chết do nhiễm độc thiếc. Trên thế giới cũng mới ghi nhận một vài trường hợp.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương ở các cơ quan, nặng nề nhất ở não, gan, thận, hệ miễn dịch, máu...
Đối với hệ thần kinh trung ương khi ngộ độc thiếc qua đường hít, qua da hoặc đường ăn uống thường gây mê sảng, lú lẫn, kích động, rối loạn chức năng tiểu não, rung giật nhãn cầu, co giật, bệnh thần kinh cảm giác, chứng bịa chuyện và rối loạn nhìn. Bệnh nhân phải mất nhiều tháng, nhiều năm để hồi phục.
Đối với hệ hô hấp, nếu hít phải thiếc hữu cơ có thể gây tình trạng khó thở, ho, thở rít, bệnh bụi phổi khi hít phải thiếc oxit mạn tính.
Đối với hệ tiêu hóa, khi ăn hoặc uống phải muối thiếc có tính ăn mòn sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn nhìn, kích thích niêm mạc, mất thính lực.
Hiện, chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc. Các bác sĩ phải vừa điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá điều chỉnh.
Nếu ngộ độc thiếc cấp tính qua đường hô hấp như hít phải hơi thiếc thì đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị ô nhiễm đến những nơi thoáng khí. Ngộ độc qua da, niêm mạc mắt thì ngay lập tức rửa sạch da và mắt. Ngộ độc qua đường ăn uống thì tiến hành rửa dạ dày và bơm than hoạt để làm giảm hấp thu thiếc hữu cơ qua niêm mạc ruột. Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp lọc máu để đào thải thiếc ra khỏi cơ thể hoặc hỗ trợ oxy, thở máy; co giật thì sử dụng các thuốc an thần, giãn cơ.
Theo bác sĩ Tình, liều gây độc cho người của thiếc hữu cơ đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, các sản phẩm sữa dạng bột, sữa dạng lỏng, sản phẩm lên men đựng trong bao bì tráng thiếc là 250 mg/kg, rau quả đóng hộp 250 mg/kg, đồ uống đóng hộp 150 mg/kg...
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm độc khi hít phải hơi, nếu không có biện pháp giải độc có thể dẫn đến tử vong. Bệnh không gây tử vong ngay mà phá hoại dần dần nội tạng trong cơ thể.
Dấu hiệu ngộ độc thiếc rất dễ bị nhầm với các bệnh khác, ví dụ tổn thương não chất trắng bị nhầm là do viêm não hoặc các bệnh não khác; đau đầu chóng mặt dễ nhầm là thiếu máu... Do đó, những người làm việc trong các môi trường tái chế nhựa nên đi kiểm tra sức khỏe, sàng lọc và cảnh giác hơn khi có dấu hiệu bất thường.
Sáng 13/8, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị 6 bệnh nhân bị nhiễm độc thiếc, phần lớn nhiễm độc nặng, nồng độ thiếc trong máu cao gấp chục lần ngưỡng cho phép. Trước khi vào làm việc, tất cả đều khỏe mạnh, hoàn toàn bình thường. Chỉ sau một thời gian ngắn, từ bốn ngày đến một tháng, các công nhân có chung biểu hiện là rối loạn tâm thần, đặc biệt là mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, hành vi bất thường. Đây là những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện.
Thùy An