Lối ứng xử với lao động từng nhiễm nCoV hay tiếp xúc trực tiếp F0 là vấn đề được các chuyên gia bàn luận sôi nổi trong buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", do VnExpress tổ chức.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM - dẫn chứng thực trạng nhân công từng là F0, F1 bị kỳ thị khi quay lại làm việc tại một số doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bán lẻ hoặc trang trí nội thất, xây dựng, dù đã lĩnh "thẻ xanh" (tức tiêm hai mũi vaccine).
Diễn giả cho rằng sự kỳ thị, phân biệt đối xử hay xa lánh người từng là F0, F1 cần phải loại bỏ ngay lập tức. Những đối tượng chịu thương tổn vì Covid-19 (cả thể xác lẫn tinh thần) nên được đối xử tử tế, yêu thương và quan tâm hơn nữa. Nếu cơ quan chức năng lẫn lãnh đạo doanh nghiệp không truyền thông tốt, không giải thích rõ ràng vấn đề trên có thể làm tăng sự lo ngại của các cấp chính quyền với doanh nghiệp, giữa nhân viên với nhau hoặc ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ của người lao động và đối tác, khách hàng của họ...
Ông Chánh Phương kiến nghị Nhà nước giải tỏa sự lo ngại, xóa bỏ việc kỳ thị qua các hình thức tuyên truyền cụ thể. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cũng dẫn chứng một số cách truyền thông nhân văn, kêu gọi mọi người yêu thương, xích lại gần nhau. Tuy nhiên, cũng có một số cách truyền thông dùng từ ngữ dễ gây tổn thương, khiến tình huống căng thăng hơn như: xử lý nghiêm ngặt, quản lý chặt đối tượng làm phát tán dịch bệnh...
Trước vấn đề ông Chánh Phương nêu, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) đồng tình, nhắc đến những trường hợp tương tự xảy ra trong năm 2020 và nhiều hơn ở năm nay.
"Chúng tôi thực hiện rất nhiều nghiên cứu, phỏng vấn và nói chuyện với vô số F0, F1, thậm chí những người không phải F0, F1 - vẫn bị cộng đồng kỳ thị vì nghi ngờ là nguồn lây lan dịch bệnh. Việc phân biệt đối xử này cực kỳ trầm trọng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng và trao đổi liên tục với các đơn vị truyền thông trong cách đưa tin như thế nào để giảm tính chất kỳ thị, sử dụng những từ ngữ ra sao để phù hợp như anh Phương tình bày", Tiến sĩ Thu Anh lý giải.
Một trong những từ ngữ Tiến sĩ Thu Anh băn khoăn là "truy vết". Chị nói bản chất của truy vết hoàn toàn đúng nhưng có thể khiến người dân lo lắng, sợ hãi và tổn thương. Họ sẽ cảm giác mình đang bị truy đuổi và bản thân mang đến nguy cơ rất lớn khiến cơ quan chức năng đuổi bắt.
"Những từ ngữ này cần thay đổi trong thời gian tới. Hy vọng các đơn vị truyền thông sẽ hỗ trợ, bắt tay với những nhà nghiên cứu để đưa thông điệp này đến mọi người", Tiến sĩ Thu Anh nhấn mạnh.
Tiếp lời chị Thu Anh, PGS, TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho hay Chính phủ, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông vấn đề này.
"Trên ý kiến của doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ, đồng thời trao đổi thêm với Bộ Thông tin tuyền thông, góp phần để mọi người hiểu đúng và truyền thông trúng hơn, tránh phân biệt đối xử với những người chẳng may mắc Covid-19. Đây là trách nhiệm của chúng ta và cộng đồng", PGS Phạm Đức Mạnh nói.
Tại buổi tư vấn trực tuyến, các chuyên gia còn chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiến và gợi ý doanh nghiệp ác giải pháp tăng năng lực y tế, thích ứng với bối cảnh mới, bảo vệ người lao động và duy trì chuỗi cung ứng. Diễn giả cũng bàn về vấn đề: hiệu quá trình bình thường mới, doanh nghiệp có thể rút ra bài học gì hay vận dụng mô hình trạm y tế lưu động thế nào? Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chuỗi, chéo khi tái sản xuất?
Nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm là: cần chuẩn bị gì để cải thiện công tác y tế tại đơn vị, cụ thể hơn là năng lực phần cứng (về cơ sở vật chất, thuốc men...) và năng lực phần mềm (về tuyển dụng, kỹ năng và nghiệp vụ của nhân viên y tế...). Làm sao để hình thành hoặc có được quy trình y tế, vận hành an toàn cho loại hình nhà hàng, dịch vụ ăn uống, bán lẻ... Độc giả có thể theo dõi chi tiết buổi tư vấn trực tuyến tại đây.
Hiếu Châu