Sau buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", ban tổ chức vẫn nhận được nhiều câu hỏi liên quan vấn đề năng lực y tế doanh nghiệp. VnExpress trích lại một phần nội dung được độc giả quan tâm.
Sự kiện có sự góp mặt của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia); PGS. TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - đơn vị chủ trì và đi đầu trong công tác thành lập, triển khai mô hình trạm y tế lưu động tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Đại diện phía hiệp hội, doanh nghiệp là ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM; ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM; ông Lê Đình Hội - Tổng Giám Đốc Công ty QSR Việt Nam...
- Chi phí y tế, bảo hộ, xét nghiệm và bảo hiểm người lao động nếu nhân viên bị F0 hiện quá lớn, khiến nhiều doanh nghiệp không thể mở cửa trở lại. Chuyên gia có lời khuyên nào cho các chủ doanh nghiệp lúc này không? Làm thế nào để kiểm soát tốt nhất các chi phí phát sinh trên mà vẫn đảm bảo quản trị rủi ro và tính an toàn cho người lao động và doanh nghiệp? (độc giả Bảo Anh)
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh: Phần chi phí xét nghiệm thường là công ty tự bỏ ra. Cách duy nhất có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí này là tập huấn, tuyên truyền, thuyết phục nhân viên của mình hạn chế các nguy cơ. Điều này rất khó, nhất là với những đơn vị có lao động trẻ vì họ có nhu cầu đi chơi.
Theo đó, lãnh đạo công ty phải hướng dẫn nhân viên thật kỹ: ví dụ chơi ở ngoài trời tốt hơn trong nhà; ra ngoài tốt hơn là ngồi cà phê máy lạnh... Khi ấy lỡ nhân viên có rủi ro, tần suất xét nghiệm sẽ giảm, chi phí cũng giảm đi.
Thứ hai, cần xem xét thời điểm xét nghiệm. Chi phí rất cao nếu ngày nào cũng test và người nào cũng kiểm tra. Sau khi tiếp xúc với F0, tải lượng virus thường cao nhất vào ngày thứ 2-4, xét nghiệm lúc này sẽ cho xác xuất dương tính cao hơn nhiều. Ngược lại, nếu lập tức đo ngay tiếp xúc với F0 hay cho kết quả âm tính. Ngày mai lại test tiếp thì chi phí sẽ đội rất cao.
Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội sẽ trả khoản lương trong giai đoạn người lao động F0 chữa trị bệnh. Tuy nhiên có nhiều các khoản khác không được chi trả.
Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho một phần nhân viên làm việc tại nhà để giảm rủi ro lây nhiễm. Trong trường hợp không thể, chúng ta nên chia người lao động thành những nhóm nguy cơ khác nhau, khuyến khích và hướng dẫn họ đeo khẩu trang.
Nên xem việc đeo khẩu trang là bình thường, hàng ngày ở nơi làm việc. Khi giảm thiểu mọi rủi ro, xác suất và tần suất xét nghiệm sẽ thấp, chi phí test, điều trị cũng hạ xuống. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp khó tránh khỏi cho đến khi mục tiêu tiêm phủ vaccine hoàn thành và không có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện.
Trường hợp có biến thể nguy hiểm hơn, doanh nghiệp lại phải xoay chuyển theo tình thế khác. Lúc này họ phải đưa ra được kế hoạch, làm như thế nào để linh hoạt nhất và giảm thiểu chi phí .
PGS, TS Phạm Đức Mạnh: Chị Thu Anh đã chia sẻ tương đối đầy đủ và hoàn thiện, quan trọng là phải đề phòng, nỗ lực giảm nguy cơ.
Trường hợp doanh nghiệp có nhiều người nghi nhiễm hoặc có nguy cơ, không cần làm mỗi người một kit mà gộp 3-5 người cho một test nhanh. Chi phí sẽ giảm nếu gộp 7-10 người cho một test PCR.
Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể cho các địa phương hình thức trên và đã triển khai ở các tỉnh. Đó là một trong những cách giảm chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp.
- Tôi là trưởng phòng nhân sự doanh nghiệp gỗ tại Nghệ An, đang chuẩn bị một phòng y tế cho nhân viên của mình và xây dựng kịch bản "phát hiện một tổ sản xuất 12 người cùng là F0". Mong chuyên gia hướng dẫn kỹ tủ thuốc cần chuẩn bị những gì và quy trình khi phát hiện có một F0? (Nguyễn Văn Thực, Nghệ An)
- Ông Nguyễn Chánh Phương: Chúng tôi đã thiết lập một cẩm nang hướng dẫn cho tình huống có F0 và đã chia sẻ tải liệu này trên trang thông tin của HAWA (Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM), bạn và doanh nghiệp có thể vào tham khảo, tải về.
Khi phát hiện F0, chúng tôi chia khu làm việc và ăn uống của nhân viên. Hai sơ đồ này rất quan trọng, giúp xác định nhóm F0, F1 có nguy cơ để khoanh vùng và chỉ khoanh vùng trong nhóm đó.
Chúng tôi cũng có khu lưu trú, gọi là "khu lưu trú tạm thời F0" cũng như khu để các F1 vào đó. Tiếp đấy, lãnh đạo sẽ liên tục trấn an, hỏi thăm và làm các công tác như Bộ Y tế hướng dẫn.
Về tủ thuốc, công ty tôi quy mô lớn nên có giường bệnh, bình oxy, máy thở, máy đo SPO2, các tủ thuốc và hướng dẫn mặc đồ bảo hộ cho đúng cách. Hiện chúng tôi có một đội F0 tình nguyện, gồm những người từng là F0, hơn ai hết, họ hiểu được mọi tình huống.
Chúng tôi đã chia sẻ cẩm nang này ở website HAWA. Một điều quan trọng nữa là mọi người cần nhớ đường dây nóng trong nội bộ của mình và hotline của trung tâm y tế quận, huyện - nơi doanh nghiệp tọa lạc - để tiện thông báo.
- Theo các chuyên gia, các cơ sở y tế có nên được mở các khoa chuyên môn phục vụ riêng bệnh nhân Covid-19? Doanh nghiệp có thể tận dụng được điều gì từ những bộ phận chuyên môn mới này của cơ sở y tế? (Dương Thảo, Hà Nội)
PGS, TS Phạm Đức Mạnh: Bệnh Covid-19 cũng như những bệnh truyền nhiễm khác, phải có phác đồ riêng, có bác sĩ điều trị chuyên sâu lĩnh vực này. Nguồn lực này cần qua đào tạo, từ nội dung các môn học, dự phòng cho đến điều trị Covid-19.
Sau này khi có mã bệnh, cần phải có chuyên gia về mã bệnh đó và đào tạo bác sĩ liên quan. Đó là trong trường hợp trở thành bệnh phổ biến.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh: Tôi đồng tình với quan điểm của anh Mạnh, ngành y tế thường đào tạo nhân lực dựa trên cơ cấu bệnh tật. Bệnh Covid-19 không khác nhiều nhưng cần lưu ý hai điểm:
Thứ nhất, chú trọng nâng cao kỹ năng điều trị tầng cao nhất khi bệnh trở nặng. Hiện Việt Nam có năng lực này nhưng đang tập trung ở thành phố lớn, còn các tỉnh nhỏ vẫn chưa tốt. Nâng cao năng lực ở đây gồm: đào tạo nhân viên y tế, bổ sung thêm trang thiết bị và cơ sở vật chất.
Thứ hai là vấn đề y tế công cộng, tôi vẫn đang theo đuổi, cập nhật các thông tin liên quan. Trên thế giới chưa có phương hướng rõ ràng về việc chẩn đoán, thậm chí WHO cũng đang xây dựng danh mục hướng dẫn chẩn đoán những triệu chứng, cách xử trí và xử lý ra sao vẫn chưa rõ. Vì chưa rõ nên ngành y tế còn rất nhiều việc cần phải làm.
Vạn Phát