Ku làm việc tại Chile cho một công ty xuất nhập khẩu. Cô trở về nhà ở miền nam Trung Quốc vào đầu năm nay khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn. Hiện chưa có thông báo chính thức về tiêm vaccine ở Nghĩa Ô. Những gì cô đọc được chỉ là các bài báo trên phương tiện truyền thông. Song Ku tin rằng cô cần tiêm vaccine để rời khỏi Trung Quốc, quay lại Chile làm việc. "Sẽ an toàn hơn nếu chủng ngừa trước khi đi", cô nói.
Nghĩa Ô là một trong số ít thành phố tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm lâm sàng. Khu vực khác là Gia Hưng. Hôm 15/10, chính quyền địa phương thông báo sẽ tiêm phòng cho những ai có nhu cầu.
"Công dân muốn tiêm chủng khẩn cấp có thể đến phòng khám cộng đồng để được tư vấn trên cơ sở tự nguyện", Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Gia Hưng thông báo lên trang web chính thức. Hai liều tiêm vaccine được bán với giá khoảng 60 USD.
Đến nay, thế giới chưa có vaccine hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. 4 "ứng viên" do các công ty Trung Quốc phát triển đang trong giai đoạn ba, khâu quan trọng nhất trước khi đệ trình lên cơ quan quản lý.
Theo CNN, bệnh viện nơi Ku đến tiêm chủng vào ngày 19/10 chuyên cung cấp vaccine cho những người cần đi du lịch gấp. Song chính quyền thành phố chưa chính thức thông báo về việc phát hành các liều tiêm thử nghiệm. Một bài báo trên Global Times cho biết tỉnh Chiết Giang chưa cho phép tiêm phòng khẩn cấp.
Song điều này không ngăn cản nhiều người di chuyển quãng đường dài đến với Nghĩa Ô và Gia Hưng, hy vọng có thể được nhận vaccine.
Mino Guo là một trong những sinh viên đăng ký tiêm chủng từ quê nhà Quảng Đông vì muốn quay lại Mỹ học trong tháng 11.
"Tình hình ở Mỹ hơi nghiêm trọng. Tôi không sợ lắm nhưng gia đình và bạn bè xung quanh lo lắng cho cuộc sống của tôi ở đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình cần tiêm vaccine để họ an tâm", cô nói.
Guo hơi e ngại về ảnh hưởng của vaccine đối với cơ thể mình. Song đến nay cô chưa nhận liều tiêm nào.
Kể từ khi Covid-19 khởi phát vào tháng 12/2019, Trung Quốc đã từ từ kiểm soát căn bệnh thông qua giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng và theo dõi đường lây của virus. Giờ đây, Trung Quốc đi đầu trong nỗ lực toàn cầu tìm kiếm vaccine. Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục thúc giục các nhà khoa học đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Ngày 20/10, Tian Baoguo, một quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết khoảng 60.000 người đã được tiêm chủng. Tất cả không có phản ứng bất thường.
"Công tác nghiên cứu vaccine của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới", ông nói.
Động thái nhanh chóng của nước này trái ngược với những quốc gia khác, bao gồm Mỹ, nơi các nhà sản xuất và cơ quan quản lý đến nay vẫn tỏ ra thận trọng. Hồi tháng 6, Bắc Kinh phê duyệt sử dụng vaccine thử nghiệm của CanSino Biologics cho quân đội. Ba tháng sau, chính phủ chấp thuận sử dụng sản phẩm từ Sinopharm cho các chuyên gia y tế, nhà ngoại giao tại những vùng còn dịch và nhân viên doanh nghiệp nhà nước làm việc tại nước ngoài. Tháng 10, Yang Xiaoming, chủ tịch Tập đoàn Sinh phẩm Quốc gia (CNBG) cho biết khoảng 350.000 người đã được tiêm vaccine do hãng sản xuất. Đây là chương trình nằm ngoài thử nghiệm quốc gia.
Tiến sĩ Jin Dong-yan, chuyên gia virus tại Đại học Hong Kong, cho biết việc chủng ngừa trước khi tiến hành xong thử nghiệm lâm sàng là rủi ro. "Trong lịch sử phát triển vaccine, nhiều trường hợp cho thấy cả sản phẩm đã bước qua giai đoạn ba vẫn có thể gặp vấn đề. Hiện chưa có vaccine Covid-19 nào vượt qua khâu này", ông nói.
Trung Quốc sử dụng công nghệ tương đối cổ điển để điều chế vaccine. Hầu hết các liều tiêm đều dựa trên mẫu nCoV bất hoạt, đưa vào cơ thể nhằm "đào tạo" hệ thống miễn dịch cách nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Về mặt thời gian, nhiều hãng đã đi trước hầu hết đối thủ cạnh tranh khác, bao gồm cả các "ứng viên" mới, chiếm ưu thế về tốc độ sản xuất. Sản phẩm của một số đơn vị như SinoVac đủ năng lực thương mại hóa nhanh chóng, ngay khi ra mắt thị trường.
Thục Linh (Theo CNN)