AstraZeneca ngày 24/10 thông báo nghiên cứu vaccine do Đại học Oxford phát triển tái khởi động tại Mỹ. Trước đó, các thử nghiệm toàn cầu bị đình chỉ ngày 6/9 do tình nguyện viên bị ốm, song được tiếp tục ngay sau đó ở Anh, Nam Phi, Brazil và Nhật Bản. Các nhà chức trách xác nhận triệu chứng bất thường không liên quan đến vaccine.
AstraZeneca cho biết: "FDA đã xem xét tất cả dữ liệu an toàn từ các thử nghiệm toàn cầu và kết luận nghiên cứu có thể tiếp tục". Hãnh dược này kỳ vọng sẽ công bố kết quả vào cuối năm nay. Tiến độ của dự án tùy thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng nơi nghiên cứu diễn ra.
Thử nghiệm vaccine của Johnson&Johnson (J&J) phải ngừng lại ngày 12/10 sau khi một tình nguyện viên bị đột quỵ do nhiễm trùng. Để kết luận sự cố không liên quan đến các liều tiêm, cơ quan chuyên môn đã đánh giá độc lập trường hợp này, kiểm tra cơ sở dữ liệu an toàn của 100.000 người tiêm vaccine.
Theo tuyên bố của J&J, cuộc điều tra không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng của sự cố, cũng không phát hiện bằng chứng vaccine gây tổn hại đến người dùng.
Paul Stoffels, giám đốc khoa học của J&J, tuyên bố: "Với thông tin thu thập được và ý kiến từ các chuyên gia bên ngoài, công ty kết luận không có bằng chứng cho thấy vaccine gây ra đột quỵ".
Các thử nghiệm được nối lại ngày 23/10. J&J đang thử nghiệm loại vaccine duy nhất chỉ cần tiêm một mũi. Sản phẩm từ các đơn vị khác đều yêu cầu tái khám và tiêm mũi thứ hai sau ba đến bốn tuần để kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Việc tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng trong quá trình nghiên cứu vaccine xảy ra khá thường xuyên. Các chuyên gia cho rằng đây là một phần trong quy trình nghiên cứu nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
"Điều này luôn xuất hiện trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục, miễn là ủy ban giám sát và xem xét dữ liệu nói rằng chúng tôi có thể", Carlos del Rio, tiến sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Emory, cho biết.
Trước đó, một quan chức cấp cao tại Mỹ bày tỏ niềm tin vào vaccine của J&J. Paul Mango, ủy viên Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh, cũng đặt kỳ vọng nước này có thêm đủ số liều tiêm để khởi động chương trình chủng ngừa cho những người "dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh" vào cuối năm nay.
Thục Linh (Theo AFP, Washington Post)