Theo giới chức y tế Trung Quốc, vaccine Sinopharm được phê duyệt "sử dụng có điều kiện" trên thị trường, sau báo cáo hiệu quả 79% trong thử nghiệm lâm sàng.
Các nhà phân tích cho rằng việc phê duyệt là cột mốc quan trọng đối với Trung Quốc. Chính phủ đã lên kế hoạch biến vaccine Covid-19 thành "hàng hóa công cộng toàn cầu" và khả năng tạo nên khác biệt rõ rệt trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Pakistan ngày 21/12/2020 cũng thông báo lên kế hoạch mua 1,2 triệu liều vaccine từ Trung Quốc, cung cấp cho 600.000 người.
Hungary bày tỏ sự quan tâm đối với vaccine Covid-19 Trung Quốc. Một quan chức cấp cao nước này cho biết chính phủ có kế hoạch dựa vào vaccine nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc hoặc thông qua cơ chế mua bán của Liên minh Châu Âu.
Trước đó một ngày, Ukraine đã ký hợp đồng mua 1,8 triệu liều vaccine từ Sinovac. Nhà phát triển, sản xuất này vẫn chưa thông báo kết quả thử nghiệm toàn cầu. Tuy nhiên, giống như Sinopharm, vaccine của Sinovac cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc từ tháng 7.
Các nhà quan sát cho rằng bằng việc cung cấp vaccine cho phần còn lại của thế giới, Trung Quốc có cơ hội củng cố danh tiếng và quan hệ với các đối tác quốc tế của mình.
Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao đang thỉnh giảng tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết cung cấp vaccine là "một chuẩn mực quan trọng đối với Trung Quốc, xét về vị thế của nước này".
Thompson nhận định: "Trung Quốc phát triển được vaccine Covid-19 là một cách khẳng định uy tín, không những ở trong nước mà còn ra thế giới, giống như các công ty dược phẩm lớn của Mỹ và Nga".
Dominic Meagher, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Australia, đồng ý rằng đây sẽ là "một chiến thắng với Trung Quốc" và sức khỏe cộng đồng toàn cầu nếu nước này có thể triển khai vaccine thành công.
Tuy nhiên "đó là nhiệm vụ rất phức tạp" và có tiến trình phát triển không rõ ràng.
Meagher, đang nghiên cứu phản ứng đối với vaccine Covid-19 Trung Quốc, cho biết: "Cho đến khi mọi người thực sự được tiêm chủng an toàn và hiệu quả thì đó vẫn chỉ là một lời hứa hẹn".
Vaccine của Sinopharm đã được sử dụng ở các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain, các quốc gia đã tổ chức thử nghiệm lâm sàng cho các liều tiêm. Cả hai nước đều cấp phép sử dụng khẩn cấp, sau đó phê duyệt vaccine vào đầu tháng trước.
Ai Cập cũng nằm trong số các quốc gia nhận vaccine của Sinopharm. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập đã ký một thỏa thuận cung ứng với Trung Quốc vào ngày 31/12. Cùng với Morocco, Ai Cập dự kiến sẽ trở thành trung tâm sản xuất, phân phối vaccine tại châu Phi.
Một trong những ưu điểm của vaccine Sinopharm là có thể bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Theo nhà nghiên cứu quản trị sức khỏe toàn cầu Sara Davies, nếu giá cả cạnh tranh, vaccine có thể là một "yếu tố thay đổi cục diện" ngành.
Davies, giáo sư đại học Griffith tại Australia, cho rằng: "Đây quả là vấn đề lớn, nhưng chúng tôi cần thêm thông tin. Quan trọng là nếu Trung Quốc muốn khẳng định vị trí tiên phong trong việc cung cấp vaccine toàn cầu và tiếp cận thị trường lớn hơn, họ sẽ phải bắt đầu thu thập nhiều thông tin hơn".
Tuy nhiên, các quan chức nước này tiết lộ rất nhỏ giọt về các phân tích liên quan đến vaccine, họ chỉ cho biết thử nghiệm được bao gồm 60.000 người ở một số quốc gia. 0,1% tình nguyện viên có biểu hiện sốt nhẹ và phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Một giám đốc điều hành từ công ty con của Sinopharm, Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc, chịu trách nhiệm phát triển vaccine, cho biết thông tin chi tiết sẽ được công bố và phát hành trên các tạp chí khoa học.
Hiện tại, vaccine Covid-19 Trung Quốc vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, một tiêu chuẩn vàng cho các cơ quan quản lý trong nước và Liên Hợp Quốc đặt hàng.
Ngày 31/12, WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech.
Theo Davies, đó có thể là rào cản tiếp theo với vaccine Sinopharm.
Bà cho rằng: "Các quốc gia cần một số điều kiện để đặt mua vaccine. Để làm được điều đó, phải có sự minh bạch và 'con dấu' chấp thuận quốc tế."
Thục Linh (Theo SCMP)