Ngày 16/4, 35 học sinh trường Tiểu học Hòa Khương, quận Hòa Vang, TP Đà Nẵng phải đi cấp cứu với biểu hiện khó thở, ngứa da, trong đó một em có bệnh nền bẩm sinh. Nguyên nhân ban đầu là ngộ độc do chơi slime. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, ban đầu, một học sinh tự chế tạo từ các miếng slime dạng nước, hình dáng giống miếng hạ sốt. Em đem ngâm chúng trong nước nhiều giờ và phối trộn với các chế phẩm khác mua từ quán tạp hóa. Sau đó, em bán lại cho các bạn cùng trường. Khi cùng chơi và ngửi mùi từ slime tự chế, nhóm học sinh đau đầu, đau bụng, nôn ói, khó thở...
Đây không phải lần đầu tiên loại đồ chơi này gây ngộ độc cho trẻ nhỏ. Năm 2018, một bé trai 7 tuổi đã bị sưng phồng ngón tay, nhiễm trùng da nặng do chơi slime, phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) điều trị.
Thạc sĩ Lê Phú Đông, khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường, trường Đại học Lạc Hồng, cho biết slime là đồ chơi phổ biến ở nước ngoài từ lâu. 5 năm trở lại đây slime được bán nhiều ở các cửa hàng văn phòng phẩm, các xe đồ chơi trước các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông khắp cả nước.
Slime tương tự như đất nặn, nhưng ra đời sau và có vẻ được nâng cấp hơn. Chúng là một hỗn hợp vừa mềm mại vừa dẻo dai, nhiều màu sắc bắt mắt. Người chơi có thể dễ dàng nhào nặn, kéo dài slime thành nhiều hình thù khác nhau mà không bị dính vào tay như đất nặn. Theo ông Đông, đây là dạng đồ chơi có tác dụng tốt, giúp xả stress, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo cho trẻ - nếu chúng là "hàng chính hãng", tức là sản phẩm có chất lượng đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Mọi slime đều được làm từ hóa chất và phụ gia. Những hóa chất nguồn gốc tốt, pha trộn đúng tỷ lệ sẽ tạo ra slime an toàn và ngược lại", thạc sĩ Đông nói.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học Công Nghệ và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, nguyên liệu chính của slime gồm các chất tạo dẻo, tạo ẩm, tạo màu, tạo mùi. Mỗi nhà sản xuất lại có công thức sản phẩm này khác nhau. Trẻ em, người lớn cũng có thể tự tạo đồ chơi theo cách riêng nên thành phần đất nặn slime rất đa dạng.
Người chơi chỉ cần có vật liệu tổng hợp như keo sữa, nước súc miệng, bột giặt, kem đánh răng, nước rửa bát, dầu gội, xà phòng bánh, dầu ăn... cùng bột borax - hàn the để tạo độ dính và phẩm màu công nghiệp... Để slime bắt mắt, độc đáo và hấp dẫn hơn có thể cho thêm chất tạo mùi hương, kim tuyến, nhũ...
Theo chuyên gia, nhiều thành phần có trong loại đồ chơi này là chất độc hại. Phẩm màu công nghiệp chứa các kim loại nặng, nên dễ gây tổn thương gan, thận; loét da hoại tử, rối loạn sắc tố da, sừng hóa da... Hàn the và các hóa chất tạo ẩm, tạo màu, tạo mùi khi vào đường tiêu hóa gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, yếu cơ, buồn ngủ và liều cao gây co giật.
Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ dùng tay để nặn thì rất khó để gây hại. Trong trường hợp trẻ vô tình cho vào miệng thì sẽ gây ngộ độc. Các triệu chứng tùy vào mức độ nặng nhẹ của phản ứng từ hóa chất tạo nên sản phẩm và hàm lượng trẻ cho vào miệng.
"Sản phẩm có gây hại đến sức khỏe hay không, phụ thuộc vào cách phối trộn hóa chất và sử dụng chúng", phó giáo sư Thịnh nhấn mạnh.
Cơ quan An ninh Y tế quốc gia Pháp từng cảnh báo, các loại đồ chơi bằng chất dẻo, chất nhờn như slime chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây dị ứng, bỏng, chàm còn gọi là eczema, thậm chí ảnh hưởng tới thần kinh. Chất tạo cho hỗn hợp này tính dẻo và nhờn là axit boric, loại dung dịch thường được dùng để rửa kính áp tròng. Liên minh châu Âu (EU) đã xếp loại chất này vào nhóm các chất có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người, đặc biệt nguy hiểm nếu tiếp xúc thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên giám sát khi con chơi slime, giới hạn thời gian chơi, không để trẻ ngậm hoặc ăn đồ chơi. Và đặc biệt là chọn mua sản phẩm hoặc nguyên liệu làm slime có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ghi chú rõ thành phần nguyên liệu và khả năng kích ứng.
Chính quyền TP Đà Nẵng đang tiến hành kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng bán cho học sinh tại cổng trường, sau vụ 35 em ngộ độc slime.
Thư Anh - Thuý Quỳnh