Thông tin loại bánh ngọt tẩm cần sa Lazy Cakes bày bán tràn lan, công khai làm cho những phụ huynh chúng tôi không khỏi lo lắng. Chúng tôi không biết ngoại trừ những thứ độc hại bị phát hiện trên, liệu sẽ còn những gì khác đang đầu độc con em mình, mà không có sự quản lý triệt để nào từ nhà trường và các cơ quan chức năng.
Cổng trường là khu vực dễ buôn bán, nhất là với những gánh hàng rong, với các món ăn vặt với đầy đủ các yếu tố thu hút các khách hàng nhỏ tuổi, hiếu kỳ, và cái bụng luôn đói.
Nào là bánh mì cay, xiên que, takayaki (xôi chiên với nấm, trứng... ), sushi, cho đến những món mà người lớn không đủ can đảm cho vào miệng như kẹo nổ, nước chua, kẹo dài (những món mà người bán tự làm, người mua không biết tên), và các món phổ biến như bánh mì thịt, xôi, những quán nước, quán cà phê...
Những hàng quán ấy luôn nhộn nhịp các khách hàng nhỏ tuổi. Thế nhưng việc quản lý về an toàn thực phẩm, các sản phẩm bán cho học trò đang được thả nổi. Chất lượng các thực phẩm đang hàng ngày "chui" vào cơ thể con em chúng ta đang bị trao một cách tùy tiện, không kiểm soát cho người bán, phó mặc cho sự "hên xui".
Có phải đã đến lúc nhà trường, và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm rõ ràng, cụ thể hơn trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh?
Nhiều trường thông báo trong nội quy cấm học sinh ăn quà vặt trước cổng trường, nhưng dường như đây là biện pháp phòng ngừa bị liên lụy nếu có sự cố xảy ra hơn là trách nhiệm với học sinh.
Vì trước và sau giờ học, không ai có thể quản lý hoặc cấm học trò mua đồ ăn vặt trước trường, nên nếu bị ngộ độc thực phẩm hay các món gây hại thì học sinh, phụ huynh tự chịu.
>> Thực phẩm không hóa chất - giấc mơ xa vời
Nhiều phụ huynh cấm con mình ăn đồ ăn vặt trước cổng trường, thậm chí không cho tiền để ăn vặt. Tuy nhiên, việc bạn bè rủ rê, bao nhau ăn uống là chuyện bình thường, và việc quản lý này cũng là điều bất khả thi của phụ huynh mà thôi.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cùng với các cơ quan quản lý như công an phường, y tế phường, quản lý thị trường phải làm việc với những hàng quán bán trước cổng trường, yêu cầu đăng ký buôn bán với những cam kết cụ thể, nắm bắt các thông tin người bán, có những cuộc kiểm tra đột xuất.
Ít ra đó cũng là biện pháp ngăn ngừa, quản lý bước đầu để nâng cao trách nhiệm của người bán với những món ăn, nước uống cho học sinh. Nếu như việc này được triển khai đồng bộ, quyết liệt ở các trường, và duy trì nghiêm túc trong năm học thì việc quản lý sẽ không còn là bắt cóc bỏ dĩa, học sinh sẽ biết chọn những hàng quán có "đóng dấu" của trường, để đảm bảo an toàn của mình.
Ngoài ra, những mặt hàng độc hại của cần phải được loại bỏ triệt để trước cổng trường. Chúng ta dễ dàng thấy nhiều em học trò mua và phì phèo thuốc lá trong các quán nước, trước các cửa hàng tạp hóa trước trường. Rồi nào là thuốc lá điện tử, thuốc lá thơm, bia rượu, thậm chí, những địa chỉ bán bồ đà, cần sa, cỏ Mỹ cũng được học trò rỉ tai, lan truyền nhau.
Thay vì chỉ khoanh vùng an toàn trong hàng rào, nhà trường phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin từ chính học sinh, và báo với công an địa phương, quản lý thị trường để mạnh tay trấn áp, chấm dứt việc bán những thứ độc hại đối với các em.
Làm sạch cổng trường, không phải chỉ là học trò quét rác, dọn dẹp. Phụ huynh cần đòi hỏi nhà trường phải dọn sạch những thứ gây hại cho học trò của mình.
Nguyễn Hiếu Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.