Gần đây, nhiều người bị ngộ độc cấp sau khi sử dụng pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinumtyp B (một chất độc thần kinh cực mạnh, có thể gây tử vong). Sự việc càng khiến người dùng lo lắng hơn đến chất lượng thực phẩm được bày bán trên thị trường, ngay cả với những thương hiệu đã có tên tuổi về sản xuất "thực phẩm sạch".
Nhìn lại thị trường thực phẩm hiện nay, các sản phẩm gắn mác hữu cơ (Organic) xuất hiện nhan nhản từ trái cây, rau củ, thịt cá đến các loại sữa, trứng, thịt, cá, thực phẩm chức năng... Bất kể ở đâu, người dùng cũng thấy các sản phẩm dán nhãn hữu cơ được bày bán, từ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch uy tín đến các shop bán hàng online... Người tiêu dùng như lạc giữa ma trận, không thể phân biệt đâu là sản phẩm hữu cơ thật.
Người bán lạm dụng các từ ngữ "Organic", "100% nguồn gốc thiên nhiên", "tinh chất thảo dược", "siêu sạch"... để quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm của mình. Giá bán đẩy lên cao gấp nhiều lần sản phẩm thông thường mà chẳng biết chất lượng có tương xứng hay không?
Tôi từng mua một mớ rau muống gắn mác "sản phẩm sản xuất hữu cơ, an toàn" trong siêu thị có giá lên tới 30 nghìn đồng, gấp ba lần so với mớ rau ngoài chợ. Nhìn bằng mắt thường, cả hai sản gần như chẳng có mấy khác biệt. Thậm chí, khi chế biến, mớ rau mua ngoài chợ còn có vẻ giòn, tươi hơn rau gắn mác "hữu cơ". Không thể phân biệt thật giả, người tiêu dùng đành phải mua theo cảm tính, bằng niềm tin, chấp nhận trả giá cao cho một sản phẩm được quảng cáo là tốt cho sức khỏe.
>> Nông sản sạch thiếu đất sống vì 'vàng thau lẫn lộn'
Theo J.I. Rodale, cha đẻ của trồng trọt bằng chất hữu cơ ở Mỹ thì thực phẩm hữu cơ được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng.
Để chứng nhận một sản phẩm hữu cơ không hề đơn giản. Ban đầu doanh nghiệp phải gửi mẫu đất cho tổ chức ở nước ngoài. Sau khi phân tích xong, nếu đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp mới được phép canh tác hữu cơ. Tiếp theo, sẽ có chuyên gia từ nước ngoài về kiểm tra diện tích đất, loại giống, quy trình, vật tư... theo tiêu chuẩn của thế giới. Tất cả chi phí đều do doanh nghiệp tự bỏ ra. Ngoài ra, khi đơn vị được cấp giấy chứng nhận hữu cơ phải đóng khoảng 1.700 USD/năm và lặp lại quy trình này mỗi năm. Muốn đạt quy chuẩn về thực phẩm hữu cơ, các loại thực phẩm này phải có ít nhất 95% thành phần là hữu cơ, nghĩa là không có các loại hóa chất liên quan.
Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế, tại Việt Nam, sự "nhiễu loạn" thông tin trên nhãn hiệu về thành phần sử dụng, tính năng sản phẩm, khiến người tiêu dùng ngày càng hoang mang và mất niềm tin vào thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, việc cấp các loại chứng nhận quy chuẩn quá dễ dàng cũng khiến thị trường thực phẩm hữu cơ thật giả lẫn lộn. Nếu áp đúng trên các tiêu chuẩn đã nếu, có lẽ không nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ta có thể đạt được chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, rất cần một khung pháp lý cụ thể cho việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn hàng đối với các cơ sở sản xuất cũng là điều rất quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Công thương cũng cần rà soát lại việc nhập hàng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm Organic trên thị trường và kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
Phải thừa nhận, xu hướng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ hiện nay đang là một tín hiệu tốt của thị trường trong nước, nhất là khi các loại thực phẩm bẩn đang tràn lan. Nhưng song song với đó, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nó sẽ trở thành một mối hiểm họa tiềm tàng cho thị trường thực phẩm tại Việt Nam. Chỉ có ngăn chặn triệt để tình trạng thật giả lẫn lộn, thực phẩm bẩn đội lốt hữu cơ mới bị đào thải, khi ấy sản phẩm organic đúng nghĩa mới có cơ hội để phát triển, vươn lên.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.