Hai vợ chồng tôi rất ngạc nhiên vì tuổi trai tráng lại đi ăn mỳ ngày này qua ngày kia, còn uống thêm nước tăng lực. Tôi nghĩ nhiều người cũng đang có những bữa ăn qua loa với mì gói, nước ngọt... mà không hề có một chút rau xanh, thịt cá nào như thế.
Từ lâu mỳ gói đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người Việt. Năm 2009, Việt Nam tiêu thụ khoảng 4,3 tỉ gói mì. Năm 2012, con số này đã tăng lên 5,1 tỉ gói. Năm 2020, người Việt tiêu thụ hơn 7 tỷ gói mỳ ăn liền, theo số liệu của Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA). Với con số này, nước chúng ta trở thành thị trường tiêu thụ mỳ gói lớn thứ ba toàn cầu, xếp sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia.
Nếu tính theo bình quân đầu người, Việt Nam đứng nhì thế giới khi mỗi người tiêu thụ hơn 72 gói mỳ một năm, xếp sau Hàn Quốc và cao gấp rưỡi so với các nước xung quanh.
Nhiều người bày tỏ sự "không mấy vui vẻ" lắm khi người Việt ăn mì gói đứng hàng top thế giới. Tôi cũng thấy lo ngại với điều này.
Trên thị trường hiện nay có mì gói đã chiên và không chiên. Nhiều người nghiện ăn mì đã chiên vì mì gói kiểu Nhật, Hàn phải nấu 5 phút vừa mắc, vừa nhạt nhẽo, ăn không quen.
>> Vợ chồng tôi đi lên từ tổng thu nhập 13 triệu đồng
Tôi lâu lâu cũng ăn mì gói, nhưng đều trụng và bỏ đi nước đầu. Hơn nữa, tôi chỉ bỏ 1/3 gói muối. Không phải vì tôi ăn nhạt nhưng sự thật nếu bỏ hết gói muối kèm theo thì rất mặn, mỗi bữa ăn xong phải uống nhiều nước để đã khát. Và hơn hết là nếu ăn mì thì cũng cần ít rau xanh đi kèm, hoặc trứng, xúc xích để tăng dinh dưỡng.
Đừng xuề xòa trong bữa ăn, nhất là ăn sáng bằng mì gói nữa. Nhiều sinh viên, học sinh, người lao động nấu mì ăn thay cho bữa sáng vì nó tiện lợi. Nhưng sự thật nếu chiên cơm nguội hoặc chịu khó thức sớm nấu cơm ăn thì vừa chắc bụng, vừa có nhiều dinh dưỡng hơn.
Mạnh Dung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.