Người nhà cho biết bệnh nhân đang sửa điện trong nhà không may bị điện giật, bỏng hai chân, vùng ngực, cánh tay và hai bàn tay. Bác sĩ chỉ định xử trí chống sốc, giảm đau, sơ cứu bỏng, chuyển đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác để điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế mức thấp nhất tai nạn do điện gây ra, gia đình nên lắp đặt hệ thống điện, hệ thống ổ cắm điện ở những vị trí che khuất. Những ổ cắm điện chưa được sử dụng, cần che chắn và bao bọc bởi các thiết bị bịt ổ điện an toàn.
Gia đình có trẻ em, tuyệt đối không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ. Không cho trẻ chơi đùa gần các thiết bị điện như ổ điện, quạt điện, phích điện... Không nên để các thiết bị điện trong nhà gần nguồn nước. Khi tay bị ướt không được chạm vào các thiết bị điện. Nếu một thiết bị điện bị rơi vào nguồn nước, hãy ngắt nguồn điện trước khi lấy ra.
Vào mùa hè, thường xuyên có mưa dông, người dân cần hết sức lưu ý khi làm việc, di chuyển tại các khu vực có điện lưới, đặc biệt những nơi có trạm điện, đường điện cao thế.
Nạn nhân bị điện giật sẽ mang dòng điện trong người. Khi ứng cứu người bị điện giật, không nên chạm trực tiếp vào người nạn nhân mà nên tìm cách ngắt kết nối nguồn điện càng nhanh càng tốt. Nếu đường dây điện có thể là điện áp cao, không cố giải phóng bệnh nhân ra khỏi đường dây điện mà chờ cho đến khi điện được tắt.
Sử dụng vật dụng bằng gỗ như gậy hay cành cây bằng gỗ để đẩy hay gỡ nạn nhân ra xa khỏi vật dụng mang điện, nếu bạn chắc chắn dòng điện nạn nhân tiếp xúc là điện hạ thế. Nếu không chắc chắn về dòng điện hạ thế hay trung thế, cao thế, hãy gọi cấp cứu 115 và chờ để được giúp đỡ.
Nếu xảy ra tai nạn bị điện giật ở nhà, sử dụng gậy bằng gỗ thật khô, như cán chổi, tuyệt đối không sử dụng gỗ đang ẩm ướt vì tính dẫn điện của nó cao hơn dẫn đến nguy hiểm tính mạng người ứng cứu, hoặc dùng một chân ghế có bọc nhựa cách điện để tách nạn nhân ra, rồi gọi ngay cấp cứu.
Thùy An