"Em có cảm giác đau rát, tay chân tê rút rồi ngã ngửa xuống đất nhưng vẫn nhận thức được", Hà ngày 20/10 nhớ lại những gì diễn ra hai tháng trước đó. Em được người nhà đưa lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cấp cứu hôm 23/8. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bỏng nặng 48% diện tích cơ thể, đa chấn thương, thủng dạ dày, tiên lượng tử vong.
Sau khi vào viện, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu nhanh chóng, thở nhanh, mạch nhanh 130 lần một phút, bụng chướng, đau, nước tiểu đen đậm. Các bác sĩ Viện Bỏng hội chẩn với đồng nghiệp ở Bệnh viện Quân y 103, quyết định mổ cấp cứu.
"Hôm đó là chủ nhật, lực lượng y tế mỏng hơn so với ngày thường song chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng cho ca phẫu thuật cấp cứu", bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, khoa hồi sức Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, nhớ lại.
Theo bác sĩ Minh, đường đi của điện vào cơ thể là tay - tay, không đi qua não hay tác động thần kinh nên người bệnh nhập viện vẫn tỉnh táo. Ngoài ra, bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong thời gian vàng, tối đa là 8 giờ đầu tiên, nên được sơ cấp cứu và hồi sức kịp thời.
Phẫu thuật viên đã cắt đoạn dạ dày, cắt tổn thương bỏng, khâu cơ hoành, khâu thành ngực, che phủ tổn thương vùng bụng bằng lưới prolen, dẫn lưu ổ bụng và hút áp lực âm liên tục khoang màng phổi trái, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch. Sau đó, bác sĩ tiếp tục hồi sức sau mổ và chống nhiễm khuẩn các vết thương cho bệnh nhân.
Đến ngày thứ ba, bệnh nhân tiếp tục phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da vùng ngực, duy trì hút áp lực âm vết thương vùng bụng. Sau đó, Hà phải trải qua những lần phẫu thuật cắt hoại tử bỏng và che phủ bằng da đồng loại, da tự thân.
Sau 10 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hơn. Nhìn toàn thân băng bó, chân phải cắt cụt ngón, vết thương bụng quá rộng, chàng trai 19 tuổi bàng hoàng. Song, Hà nhanh chóng lấy lại tinh thần: "Chỉ cần còn sống là được rồi".
Theo bác sĩ Minh, tai nạn điện cao thế xảy ra khi sinh hoạt vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Dòng điện chạy qua người gây bỏng nặng, có thể tổn thương sâu đến tạng, đa số nạn nhân tử vong.
Bệnh viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận bệnh nhân bỏng nhiều nhất cả nước. Một năm, các bác sĩ điều trị cho khoảng 500-700 bệnh nhân, đa số nặng. Hà là bệnh nhân bỏng nội tạng nặng đầu tiên hồi sinh sau hai tháng điều trị tích cực.
Sau 6 cuộc phẫu thuật, những vết thương bỏng đã lành, tổn thương bụng không có biến chứng, tổn thương ngực đã hết dịch khí. Hàng ngày, Hà được điều dưỡng hướng dẫn tập luyện để phục hồi chức năng vận động, hô hấp.
Điều dưỡng Mai Thị Hồng Thắm, khoa phục hồi chức năng là người thường xuyên chăm sóc Hà. Chị cho biết quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân bỏng khác với bệnh khác, bởi hiệu quả đạt được chỉ khoảng 6 đến 7 phần.
Hàng ngày, Hà tập đi khoảng 5-10 phút, mỗi lần chỉ được vài chục mét do chân bỏng nặng, đi nhiều dễ bị phồng rộp. Ngoài ra, Hà phải đeo băng áp lực để cố định vết sẹo, tránh tổn thương nặng hơn, giúp cử động và đi lại dễ hơn.
Hà được cứu sống, song hành trình hồi phục phía trước còn rất dài. "Tương lai của em sẽ là những năm tháng sống với chấn thương và các biến chứng sau bỏng. Hà phải tập luyện cả đời để cải thiện và giảm tình trạng co kéo sẹo", điều dưỡng Thắm nói.
"Tuy nhiên, ải khó khăn nhất Hà đã vượt qua", bác sĩ Minh tiếp lời. "Một điều kỳ diệu nào đó đã hồi sinh Hà từ cửa tử, tôi tin em cũng đủ bản lĩnh để sống tốt và trân trọng bản thân hơn".
Thùy An