Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, bệnh nhân bị dòng điện công suất 380V giật trong lúc đang làm việc tại công ty. Khi đến cấp cứu, anh đã bất tỉnh, ngưng tim ngưng thở, hôm 7/5.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được tiến hành hồi sinh tim phổi, may mắn thành công, có nhịp tim và thở trở lại. Các bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, nhằm bảo vệ não và chức năng cơ tim.
Nhiệt độ cơ thể người bệnh trước khi hạ là 38 độ C. Sau hai giờ thực hiện, thân nhiệt anh hạ xuống còn 34 độ C. Nhiêt độ này được duy trì trong 24 giờ, sau đó thân nhiệt bệnh nhân được đưa về lại nền nhiệt ổn định là 37 độ C. Tổng thời gian thực hiện quá trình hạ thân nhiệt cứu bệnh nhân là khoảng 48 giờ liên tục. Bệnh nhân được cứu sống.
Sau 4 ngày điều trị tích cực tại khoa ICU, anh được rút nội khí quản, tri giác tỉnh táo, tự vận động và ăn uống. Hiện, anh được theo dõi sức khỏe sát sao, đặc biệt là chức năng não tại khoa Nội Thần kinh.
Theo bác sĩ Dũng, hạ thân nhiệt chỉ huy một kỹ thuật y khoa tiên tiến, được nghiên cứu và đưa vào phác đồ cấp cứu ở nhiều nước trên thế giới, giúp hạn chế các tổn thương tế bào não và cải thiện kết cục thần kinh. Biện pháp này đã được chứng minh bằng nhiều thử nghiệm, nghiên cứu lớn qua nhiều năm. Một số nghiên cứu trên thế giới chứng minh, hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống 11%.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được áp dụng thành công, cứu sống nhiều bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện nguy kịch, do điện giật, đuối nước trên khắp cả nước. Kỹ thuật còn có thể áp dụng trong kiểm soát thân nhiệt cho hồi sức thần kinh sọ não, như đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và chấn thương sọ não nặng...
Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trong vòng 6 giờ, khi bắt đầu ngưng tim, ngưng thở. Nếu bệnh nhân đưa vào cấp cứu sau 6 giờ thì hiệu quả sẽ không như mong muốn.
Thư Anh