Khi xảy ra tai nạn, hôm 28/10, anh được mẹ vợ lập tức nhồi tim liên tục đến khi có nhịp trở lại, sau đó chuyển đến Bệnh viện huyện Bình Chánh cấp cứu. Trong suốt 45 phút, các bác sĩ đặt nội khí quản hỗ trợ thở, nhồi tim 100-120 lần mỗi phút giữ cho nhịp tim của bệnh nhân ổn định dù đập yếu ớt và chuyển tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Tùng hôn mê sâu hoàn toàn, mất hết phản xạ tri giác. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương não, tổn thương cơ tim và suy thận do ngưng tim, ngưng thở thời gian dài.
"Bệnh nhân khi ấy nắm chắc một phần ba cái chết, nếu tự tỉnh lại cũng tàn phế, liệt hoặc sống đời thực vật", Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Sỹ, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay.
Bệnh nhân còn trẻ, vợ đang mang thai. Các bác sĩ quyết tâm bằng mọi cách cứu bệnh nhân sống, khỏe mạnh. Họ quyết định áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy sớm (ngủ đông) để bảo vệ não người bệnh khỏi những tổn thương do nhiễm độc tế bào, giúp cơ thể giảm tối đa nhu cầu sử dụng năng lượng.
Bệnh nhân được quấn những tấm dán hạ nhiệt đặc biệt vào ngực, bụng, chân. Thông qua tấm dán này, bác sĩ hạ nhiệt độ cơ thể anh từ 37 độ C xuống 36 độ C, duy trì liên tục trong 48 giờ. Người bệnh đồng thời sử dụng máy thở, thuốc vận mạch và lọc máu chậm...
Đến ngày thứ ba hạ thân nhiệt, chắc chắn bệnh nhân đáp ứng điều trị, dần tỉnh táo, có phản xạ tri giác trở lại, các bác sĩ làm ấm dần cơ thể bệnh nhân. Mỗi giờ tăng lên 0,25 độ C, đạt nhiệt độ cơ thể sinh lý bình thường thì ngừng lại. Lúc này, người bệnh tỉnh mê dần.
Ngày 4/11, bệnh nhân không cần áp dụng hạ thân nhiệt nữa, thoát nguy kịch và tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Sỹ cho biết kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động được Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng trong điều trị từ giữa năm 2020. Đến nay, 7 trường hợp áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Trong đó, ba bệnh nhân được cứu sống, đã xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ di chứng tổn thương thần kinh hay các cơ quan khác. Ba bệnh nhân khác não được bảo vệ khỏi tổn thương, song suy đa cơ quan nặng nên không qua khỏi. Một trường hợp đang tiếp tục điều trị, là bệnh nhân bị điện giật trên.
Một trong ba người đã xuất viện là nam thanh niên mắc hội chứng rối loạn nhịp tim Brugada, ngưng tim đột ngột, đã chết lâm sàng. Anh hồi sinh kỳ diệu nhờ phương pháp hạ thân nhiệt, đã ra viện, làm việc và sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ chuyên khoa hai Đặng Quý Đức, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, hạ thân nhiệt chủ động không phải là kỹ thuật mới, cũng không quá khó, các bệnh viện tuyến quận, huyện có thể triển khai được. Vấn đề mấu chốt là phải chỉ định áp dụng đúng bệnh nhân và kiểm soát tốt được nhiệt độ chỉ huy, thăm dò phản xạ đáp ứng của người bệnh và xử lý biến chứng kịp thời.
Khi cho một bệnh nhân ngủ đông, nhân viên y tế phải túc trực bên cạnh 24/24 giờ, không rời mắt.
"Bệnh nhân được hạ thân nhiệt không thể tránh khỏi các biến chứng, thường gặp là suy thận cấp, nhiễm trùng và huyết khối. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị cao hơn tỷ lệ biến chứng", bác sĩ Đức nói.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt là làm lạnh chủ động để đưa thân nhiệt người bệnh xuống 33-36 độ C. Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân bị ngưng tim do rối loạn nhịp tim bởi điện giật, đuối nước, bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Điều kiện là người bệnh đến viện trong tối thiểu 8 giờ sau tai nạn, còn hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn và hồi sức tim đập trở lại. Kỹ thuật chống chỉ định đối với bệnh nhân mới trải qua ca phẫu thuật lớn trong vòng 14 ngày, đang chảy máu, sốc nhiễm trùng, hôn mê do ngộ độc, chuyển hóa.
Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy sử dụng hai hệ thống máy kiểm soát thân nhiệt nội mạch (đặt catheter - ống nhựa xâm lấn) và ngoại mạch (tấm dán ngoài da không xâm lấn). Kỹ thuật xâm lấn thường áp dụng cho bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền. Kỹ thuật không xâm lấn dùng cho tất cả lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Các catheter, tấm dán sau mỗi lần sử dụng sẽ được hủy bỏ, không tái sử dụng.
Bảo hiểm y tế chưa chi trả cho kỹ thuật hạ thân nhiệt. Chi phí điều trị mỗi ca khoảng 25-28 triệu đồng. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ hoàn toàn chi phí này cho bệnh nhân.
Thư Anh