Trung Quốc bắt đầu cải tổ quân đội vào giữa thập niên 1990 với ưu tiên chính là chặn Mỹ từ xa bằng cách biến vùng biển quanh Trung Quốc thành "bẫy tử thần" nhờ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) giờ đây đang nuôi tham vọng thách thức lực lượng Mỹ ở những nơi xa hơn.
Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay trực thăng Type-075 đầu tiên và đang chế tạo chiếc thứ hai, đóng vai trò là mũi nhọn tiên phong cho lực lượng viễn chinh tương tự Thủy quân Lục chiến Mỹ. Lực lượng mới của Trung Quốc được cho sẽ có khả năng triển khai độc lập với toàn bộ vũ khí hỗ trợ để chiến đấu trong các cuộc xung đột ở nơi xa xôi hoặc phô trương sức mạnh của PLA.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nói nhà máy đóng tàu của nước này đang chế tạo và hạ thủy những chiếc tàu đổ bộ rất nhanh chóng và dễ dàng.
Cạnh tranh quân sự Mỹ - Trung ngày càng trở nên gay gắt. Lực lượng đổ bộ mới được thành lập của Trung Quốc thua xa Mỹ về quy mô, nhưng tốc độ phát triển quân sự của nước này trong những năm gần đây đang dần làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc triển khai số lượng khổng lồ tên lửa, tàu ngầm và chiến hạm mặt nước để ngăn đối thủ tiếp cận vùng biển ven bờ. Nhưng nay, với chương trình hiện đại hóa PLA do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, các tàu đổ bộ mới cùng lực lượng thủy quân lục chiến được huấn luyện đặc biệt sẽ tăng cường sức mạnh quân sự cùng tầm ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tới những nơi xa hơn, giới chuyên gia nhận định.
Binh chủng thủy quân lục chiến thuộc hải quân Trung Quốc được mở rộng trong lúc các tàu sân bay trực thăng Type-075 được chế tạo. Quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản ước tính thủy quân lục chiến Trung Quốc đang có khoảng 35.000 binh sĩ, tăng mạnh so với quân số 10.000 người năm 2017.
"Bất cứ quân đội nào không có lực lượng đổ bộ sẽ bị hạn chế về địa điểm và cách thức triển khai tác chiến", cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Grant Newsham nói. "Máy bay có thể trút bom và tàu thuyền có thể phóng tên lửa lên bờ, nhưng bạn cần lính đổ bộ để tiêu diệt kẻ thù và kiểm soát mặt đất".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Lầu Năm Góc không bình luận về thông tin trên.
Thủy quân lục chiến đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giới thiệu lực lượng PLA "ngày càng hùng mạnh" với công chúng trong nước của giới chức Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin về những đợt diễn tập gian khổ cùng những kỹ năng chiến đấu của các đặc nhiệm Giao Long, một đơn vị thuộc lữ đoàn đặc nhiệm thủy quân lục chiến đóng trên đảo Hải Nam.
"Chúng tôi sẽ là mũi kiếm đâm sâu vào tim kẻ thù trong các chiến dịch hiệp đồng tác chiến", chỉ huy đại đội đặc nhiệm Giao Long Gong Kaifeng nói.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể kết hợp các tàu sân bay trực thăng lớp Type-075 với tàu đổ bộ và hỗ trợ mới khác khi chúng đi vào hoạt động. Các đội tàu độc lập này có thể được điều tới những địa điểm xung đột xa bờ biển Trung Quốc, đóng vai trò phô diễn sức mạnh hoặc bảo vệ các khoản đầu tư cùng công dân ở nước ngoài.
Các đội tàu trên còn cho phép PLA tham gia cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo nhằm cạnh trạnh với Mỹ trong nỗ lực xây dựng uy tín lẫn quyền lực mềm.
Các lực lượng đổ bộ mới cũng góp phần tăng năng lực triển khai binh sĩ của PLA lên đảo Đài Loan hoặc những khu vực chiến lược quan trọng ngoài khơi trong trường hợp nổ ra xung đột, các chuyên gia về chiến tranh đổ bộ nhận định.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố thống nhất Đài Loan với đại lục là "bước tiến quan trọng trong thực hiện giấc mơ của dân chúng về chấn hưng quốc gia".
Trong bài phát biểu hồi đầu năm 2019, ông Tập cho rằng vấn đề thống nhất Đài Loan không thể bị trì hoãn vô thời hạn. "Chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thống nhất bằng mọi giá nếu cần", ông Tập nói.
Trung Quốc năm nay đẩy mạnh các hoạt động quân sự và tập trận quanh đảo Đài Loan. Các máy bay quân sự của PLA, trong đó có oanh tạc cơ Xian H-6 cùng tiêm kích J-10 và Su-30, nhiều lần tiến vào vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) của hòn đảo.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết có tuần máy bay quân sự Trung Quốc áp sát hòn đảo đến 8 lần, buộc họ điều tiêm kích và trinh sát cơ đối phó.
Đài Loan tổ chức diễn tập phòng thủ Hán Quang ngày 13-17/7, với sự tham gia của các lực lượng trên biển, trên bộ và trên không. Cuộc diễn tập còn đóng vai trò quan trọng với lực lượng dự bị của Đài Loan khi hòn đảo nâng cao năng lực phòng thủ, giới chức địa phương cho biết.
"Lực lượng của chúng tôi luôn làm hết sức mình để chuẩn bị cho tình huống chiến tranh, theo dõi chặt chẽ hoạt động điều quân của PLA và diễn biến tình hình eo biển", cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết trong một thông cáo. "Chúng tôi có kế hoạch phòng thủ hoàn chỉnh và các hành động thích hợp để đối phó nguy cơ Trung Quốc đại lục tấn công Đài Loan cùng các nhóm đảo ngoài khơi, nhằm đảm bảo an ninh tại đây".
Giới chuyên gia cho biết PLA đã có những đơn vị quân đội thiện chiến được huấn luyện và trang bị để triển khai chiến dịch đánh chiếm Đài Loan. Với việc mở rộng lực lượng thủy quân lục chiến, các chỉ huy PLA đang xem xét mở rộng hoạt động cấp toàn cầu, tới những nơi Trung Quốc có khoản đầu tư lớn ra nước ngoài.
Những lợi ích thương mại này có thể tăng lên nhiều lần khi Bắc Kinh thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, nỗ lực đầy tham vọng để đưa Trung Quốc thành trung tâm của các tuyến giao thương toàn cầu.
Lính thủy đánh bộ được coi là lực lượng quan trọng với mạng lưới căn cứ quân sự chiến lược mà Trung Quốc triển khai khắp thế giới. Trung Quốc điều lính thủy đánh bộ và thiết giáp tới căn cứ nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, quốc gia nằm sát cửa ngõ Biển Đỏ và vịnh Aden, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. Thủy quân lục chiến Trung Quốc cũng có mặt trên các đội tàu tham gia chống cướp biển tại vịnh Aden.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sử dụng các lực lượng đổ bộ làm công cụ ngoại giao hoặc gây ảnh hưởng. Mỹ hiện là quốc gia duy nhất áp dụng cách triển khai này khi thường xuyên đưa các đơn vị viễn chinh ra nước ngoài thăm cảng, diễn tập chung và cứu trợ thảm họa.
Các đội tàu viễn chinh của Mỹ chở theo thủy quân lục chiến với khí tài hạng nặng cùng những đơn vị yểm trợ trên không hiện diện ở cảng biển nước ngoài được coi lời nhắc nhở về sức mạnh của nước này.
Năm 1999, lực lượng gìn giữ hòa bình do Australis đứng đầu can thiệp để ngăn bạo lực ở Đông Timor, khi đó do Indonesia kiểm soát. Lực lượng Mỹ không đổ bộ lên mặt đất, song sự hiện diện của tàu đổ bộ tấn công USS Belleau Wood với 900 lính thủy đánh bộ và nhiều trực thăng giúp lực lượng gìn giữ hòa bình nhanh chóng khôi phục trật tự ở Đông Timor mà không vấp phải sự kháng cự.
Hai tàu sân bay trực thăng Type-075 đầu tiên của Trung Quốc hiện neo đậu tại nhà máy đóng tàu Thượng Hải để hoàn thiện. Ảnh do truyền thông Trung Quốc công bố và ảnh vệ tinh cho thấy các chiến hạm dài 250 m có boong phẳng giống tàu đổ bộ tấn công của các nước khác, trong đó có Mỹ. Mỹ hiện sở hữu 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp và ba tàu lớp America.
Tuy nhiên, sự cố cháy tàu USS Bonhomme Richard hôm 12/7 là đòn giáng mạnh vào nỗ lực kìm chế thách thức từ Trung Quốc của hải quân Mỹ. Chiến hạm Bonhomme Richard bị hư hại nặng nề sau vụ cháy kéo dài hơn 4 ngày và chưa rõ hải quân Mỹ có sửa chữa con tàu để tiếp tục hoạt động hay không.
Trung Quốc đã chế tạo 6 tàu đổ bộ Type-071 từ năm 2015, theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) năm ngoái. Tàu đổ bộ Type-071 có thể mang theo 4 tàu đệm khí, nhiều thiết giáp và ít nhất 4 trực thăng trong một đợt triển khai dài ngày. Các chuyên gia cho biết tàu đổ bộ Type-071 thứ bảy đang được chế tạo.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu đổ bộ Type-071 có lượng giãn nước 29.000 tấn, đóng vai trò trung tâm chỉ huy và kiểm soát, trung tâm y tế và chở được hàng trăm lính thủy đánh bộ. Các tàu Type-071 dài 210 m, có tầm hoạt động hơn 18.500 km với tốc độ hơn 40 km/h, theo kết quả các cuộc thử nghiệm.
Để xây dựng đội ngũ vận hành các con tàu này, Trung Quốc nhanh chóng tăng quy mô lực lượng hải quân từ năm 2017, theo một báo cáo của Lầu Năm Góc. Nhiều thập kỷ trước đó, thủy quân lục chiến là ưu tiên thấp khi quân đội Trung Quốc duy trì lực lượng lục quân khổng lồ để bảo vệ đại lục.
Trung Quốc thành lập trung đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên năm 1953 rồi mở rộng lên cấp sư đoàn, song đơn vị bị giải thể năm 1957. Trung Quốc tái lập thủy quân lục chiến năm 1979.
DIA cho biết thủy quân lục chiến của Trung Quốc gồm 7 lữ đoàn gồm các đơn vị tăng thiết giáp, bộ binh, pháo binh và tên lửa. Tuy nhiên, Trung Quốc không tiết lộ về thành phần và nơi triển khai của các đơn vị này.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin binh sĩ tại các đơn vị của PLA đang được tuyển mộ để đưa vào thủy quân lục chiến nhằm tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng. PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, hồi tháng 4 đưa tin hai đơn vị lính dù được chuyển tới một lữ đoàn thủy quân lục chiến chuyên đổ bộ từ trực thăng.
Báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc cho biết một bộ chỉ huy thuộc hải quân Trung Quốc được thành lập, chịu trách nhiệm biên chế, huấn luyện và trang bị cho lực lượng viễn chinh. Thiếu tướng Khổng Quân được bổ nhiệm làm tư lệnh thủy quân lục chiến Trung Quốc hồi đầu năm 2017.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng bất chấp nỗ lực xây dựng trong nhiều năm qua, năng lực của lính thủy đánh bộ Trung Quốc vẫn kém hơn nhiều so với thủy quân lục chiến Mỹ, đội quân viễn chinh 186.000 người có kinh nghiệm dày dặn trong tác chiến trên biển và đổ bộ.
Lầu Năm Góc nhận định hầu hết các lữ đoàn thủy quân lục chiến Trung Quốc chưa có đủ nhân lực và trang bị để hoạt động đầy đủ. "Thủy quân lục chiến Trung Quốc thiếu thiết giáp và trực thăng, chưa được huấn luyện đủ để triển khai các hoạt động đổ bộ phức tạp", báo cáo năm 2019 của Lầu Năm Góc cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân xuất phát từ ưu tiên hàng đầu của PLA khi lên kế hoạch tấn công đảo Đài Loan là các đơn vị trên biển và lực lượng lính dù. "Do đó lính thủy quân lục chiến Trung Quốc không được ưu tiên về thiết giáp lội nước và trực thăng", Phó giám đốc Viện Đề án 2049 Ian Easton nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)