Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc hôm qua cho thấy chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu đổ bộ Type-075 rời nhà máy Hộ Đông - Trung Hoa ở thành phố Thượng Hải. Dù bắt đầu ra biển thử nghiệm, con tàu dường như vẫn đang trong quá trình thi công, với sàn đáp đang được hoàn thiện, một số vết ám khói sau vụ cháy hồi tháng 4 vẫn có thể thấy trên thân tàu.
"Chuyến ra biển đầu tiên nhiều khả năng nhằm thử nghiệm các hệ thống chính như động cơ, định vị và thông tin liên lạc", truyền thông địa phương cho hay. Nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đã tỏ ra bất ngờ với tiến độ chế tạo chiếc Type-075 đầu tiên khi Trung Quốc chỉ mất vài tháng sau khi hạ thủy để hoàn thiện phần thượng tầng cùng hệ thống điện và radar.
Type-075 có lượng giãn nước đầy tải tới 40.000 tấn, lớn hơn nhiều mẫu tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công của các cường quốc trong khu vực. Trung Quốc lên kế hoạch đóng 3 tàu thuộc lớp Type-075, nhưng giữ bí mật về quá trình phát triển và chế tạo chúng.
Kích thước của Type-075 tương đương tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ, nhưng khả năng tác chiến của nó có thể bị giới hạn đáng kể do Trung Quốc không sở hữu máy bay có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) như F-35B và MV-22 Osprey.
Tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết chiếc Type-075 đầu tiên có thể được biên chế trong giai đoạn 2021-2022.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Type-075 khó có thể được biên chế vào hải quân Trung Quốc trong thời gian ngắn. Là thế hệ tàu sân bay trực thăng nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Type-075 sẽ phải trải qua nhiều năm thử nghiệm trong các điều kiện ngặt nghèo để bảo đảm khả năng vận hành.
Thủy thủ và phi công hải quân Trung Quốc cũng cần được huấn luyện chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ trên tàu sân bay trực thăng, loại vũ khí chưa từng xuất hiện trong lực lượng này.
Vũ Anh (Theo Drive)