Tôi năm nay hơn 40 tuổi, xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng và hiện nay tài sản của bản thân đã cán mốc một triệu đôla. Tuy nhiên, tôi có một nguyên tắc, đó là chỉ đầu tư những gì mình hiểu và biết cách nó vận hành. Tiền ảo vì thế sẽ không có mặt trong danh sách các hạng mục đầu tư của tôi.
Gần đây, tôi đọc được nhiều bài viết trên VnExpress về thị trường tiền số (tiền ảo, tiền mã hóa) và những so sánh với thị trường chứng khoán. Với những người so sánh tiền mã hóa và tiền pháp định hoặc với cổ phiếu, theo tôi, họ chưa nắm được vấn đề khác nhau căn bản nhất của mỗi loại hình.
Câu hỏi đặt ra là cái gì đảm bảo giá trị cho chứng khoán và cái gì đang đảm bảo giá trị cho tiền điện tử?
Không biết tương lai tiềm năng của tiền mã hóa như thế nào, nhưng hiện tại không có bất cứ một sự bảo đảm nào cho giá trị của chúng, ngoài niềm tin của các nhà đầu tư. Mà niềm tin thì sẽ có lúc lên, lúc xuống và sẽ thay đổi theo từng hoàn cảnh.
Chưa kể, trong chính các nhà đầu tư, phần nhiều người chơi chỉ mong giá lên để chốt lời rồi nhanh chóng rút tiền ra, đầu tư vào một lĩnh vực khác hữu hình hơn, an toàn hơn.Việc này, tôi tin không ai giỏi hơn các "cá mập" - những người hiểu quá rõ bản chất vận hành của những đồng tiền ảo này, cũng như danh tiếng và tài chính của họ đủ sức để tác động đến giá cả của chúng...
Biết là trong xu thế tương lai, tiền số sẽ là tất yếu. Tuy nhiên, tương lai lại là một khái niệm rất trừu tượng mà không xác định thời điểm chính xác. Thế nên, trong quá trình định hình vai trò của tiền mã hóa, sẽ còn có nhiều lần sụp đổ cũng như khủng hoảng. Sau mỗi lần như thế, tiền số sẽ dần định hình các quy tắc, làm tiền đề cho sự phát triển sau này.
Cá nhân tôi vẫn tin rằng, bất cứ hình thái tiền tệ nào muốn tồn tại ổn định như một thành phần của nền kinh tế, khi chỉ khi có sự bảo đảm của một tổ chức (hoặc nhà nước) có các sức mạnh hữu hình (như tài nguyên, sức mạnh quân đội, khả năng tạo ra sản phẩm...), cũng như phải chịu những ràng buộc về mặt pháp lý với các quyết định của họ.
Bitcoin vừa trải qua chuỗi bảy ngày giảm giá liên tiếp - chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020. Có thời điểm, giá đồng tiền số lớn nhất thế giới này rớt xuống 25.402 USD – thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Ether cũng giảm xuống 1.883 USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Một năm qua, diễn biến của Bitcoin và các tiền số lớn khác ngày càng giống cổ phiếu công nghệ. Việc này khiến nhiều nhà phân tích càng có lý do để phủ nhận quan điểm tiền số đóng vai trò phòng trừ lạm phát.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.