Quyết định số 593 về việc phân công công tác của Thủ tướng và 5 Phó thủ tướng được ban hành ngày 22/4.
Quyết định này nêu rõ, Thủ tướng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ; lãnh đạo toàn diện và điều hành công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, những vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công các Phó thủ tướng giúp ông theo dõi, chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ.
Các quy định nêu trên tương tự nguyên tắc phân công trong lãnh đạo Chính phủ các nhiệm kỳ trước và gần đây, như quyết định số 1527 (tháng 8/2016) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hay quyết định số 476 (tháng 8/2011) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, so với trước, quyết định 593 lần này bổ sung nội dung mới là "Thủ tướng không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, công việc đã phân công cho Phó thủ tướng".
Ngoài ra, các quyết định trước đây giao "Phó thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng những vấn đề quan trọng". Lần này, quyết định mới không còn nội dung "kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng những vấn đề quan trọng"; thay vào đó, các Phó thủ tướng "thay mặt Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, mọi mặt trước Thủ tướng, trước Chính phủ và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc".
Điểm chung của các quyết định là "những công việc liên quan đến các Phó thủ tướng khác thì Phó thủ tướng được phân công chủ trì chủ động phối hợp cùng giải quyết; nếu còn ý kiến khác nhau giữa các Phó Thủ tướng thì báo cáo người đứng đầu Chính phủ xem xét, quyết định".
Ngoài một số điểm mới trong nguyên tắc phân công và quan hệ công tác nêu trên, nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó thủ tướng tại quy định lần này cơ bản kế thừa văn bản trước đây.
Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, điều hành chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước; theo dõi và chỉ đạo các bộ Quốc phòng, Công an... Hai Phó thủ tướng là ông Trương Hòa Bình và ông Vũ Đức Đam vẫn đảm nhiệm các lĩnh vực công tác đã được phân công lâu nay.
Hồi đầu nhiệm kỳ, ông Phạm Bình Minh trực tiếp làm nhiệm vụ Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Hiện nay, ông Minh chỉ đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng, vẫn phụ trách các lĩnh vực công tác trước đây. Ngoài ra, ông Minh phụ trách thêm lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (trước đây do nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phụ trách).
Phó thủ tướng Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực trước đây do nguyên Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) phụ trách. Trước khi luân chuyển về địa phương làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu và sau đó giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ, ông Khái từng đảm nhiệm cương vị cấp phó của ông Huệ, là Phó tổng kiểm toán Nhà nước (giai đoạn 2007-2011).
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đảm nhiệm các lĩnh vực hồi đầu nhiệm kỳ do nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phụ trách.
Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu về hành chính công, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định nguyên tắc phân công trong lãnh đạo Chính phủ lần này "mạch lạc, rõ trách nhiệm, thẩm quyền, dễ thực hiện".
Theo ông Dũng, quy định mới "Thủ tướng không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, công việc đã phân công cho Phó thủ tướng", thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền, "không làm thay" đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngay từ khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ.
"Nguyên tắc đó tạo thuận lợi cho Chính phủ và bộ máy hành chính vận hành thông suốt sau khi kiện toàn. Đồng thời, các Phó thủ tướng chủ động xử lý công việc trong phạm vi được phân công, không phải chờ đợi, xin ý kiến Thủ tướng quyết định thay", TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
Ông Dũng cũng cho rằng tinh thần "không làm thay" công việc đã phân công cho cấp dưới sẽ giúp cải thiện sức ì của bộ máy hành chính ở nhiều nơi. Bởi nếu trước đây, các bộ, ngành, địa phương có thể còn băn khoăn rằng công việc này có phải thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình không hay phải trình báo cấp trên, thì nay đã có câu trả lời.
"Với tinh thần đó, các bộ, ngành, địa phương không còn lý do để đẩy công việc lên Thủ tướng, Chính phủ", ông Dũng nói.
Ngày 16/4, Nghị quyết phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn nêu rõ Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.
Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc khi được Thủ tướng ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ, không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.