6h chiều 25/9, chị Lâm Thị Kim Chi ở Bệnh viện dã chiến số 7 nhận 200 suất cơm do các bếp ăn thiện nguyện chuyển đến. Khác với mọi khi, nhận những túi cơm xong, Chi cùng các nhân viên y tế lục tìm những hộp cơm có kèm lời nhắn ghi ngoài vỏ.
"Thương nhau mấy núi cũng đèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng giao cơm"; "Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm san sẻ tháng ngày Cô - Vy"... dòng chữ được viết nắn nót trên nắp hộp khiến mọi người thích thú mỉm cười. Chi lấy điện thoại ra chụp những hộp cơm có lời nhắn rồi nhẹ nhàng xếp lại, chuyển đến các khu điều trị.
Hiện tượng này mới xuất hiện hai ngày gần đây, thông thường mỗi túi 20 hộp cơm, chỉ hai hộp có chữ. "Sáng kiến này giúp không khí trong bệnh viện bớt nặng nề, thi thoảng lại xuất hiện tiếng cười của bệnh nhân khi bất ngờ nhận trúng phần cơm có lời động viên", Lâm Thị Kim Chi nói.
Tác giả của những lời nhắn trên hộp cơm là anh Phạm Phúc Lợi, giảng viên khoa Du lịch và Việt Nam học, ĐH Nguyễn Tất Thành. Gần một tháng nay anh và các đồng nghiệp tổ chức Bếp yêu thương, nấu khoảng 300 suất cơm mỗi ngày, gửi tặng F0 và nhân viên y tế trong các bệnh viện dã chiến.
Anh Lợi cho biết, ban đầu các suất cơm gửi đi đều kèm lời chúc in sẵn, động viên mọi người lạc quan và mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhận được phản hồi tích cực từ bệnh nhân và các y bác sĩ, anh nảy ra ý định tự tay viết lời chúc lên từng hộp cơm.
Hai hôm nay, tranh thủ giờ nghỉ trưa, nam giảng viên dành khoảng 45 phút để suy nghĩ nội dung, viết những câu thơ, câu nói hài hước vui nhộn trên 20-30 hộp cơm, sau đó phân chia ngẫu nhiên vào các túi. Ngoài những câu nói để người nhận cải thiện tâm trạng, anh còn lồng ghép những chia sẻ, khích lệ tinh thần và gửi gắm các thông điệp nâng cao ý thức cộng đồng.
"Mình hy vọng những phần cơm sẽ trở thành động lực giúp mọi người chiến thắng Covid-19", anh Lợi nói.
Được đề nghị tăng số lượng các hộp cơm có chữ, nhưng anh Lợi không thể đáp ứng vì bếp ăn đang thiếu nhân lực, không thể có nhiều thời gian cho công việc này. Thêm vào đó, anh cũng muốn tạo ra sự hào hứng khi ai đó bất ngờ nhận được phần cơm đặc biệt, thay vì làm hàng loạt.
Cô Phan Thị Ngàn, công tác tại khoa Du lịch và Việt Nam học, người đồng sáng lập Bếp yêu thương, cho biết bếp có 10 thành viên, gồm 5 thầy cô giáo và người thân, hoạt động hơn hai tháng từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm. Khu vực nấu ăn sử dụng chính không gian bếp chuyên để đào tạo sinh viên của trường. Ban đầu, các thầy cô trong khoa tổ chức bếp ăn để hỗ trợ cho các sinh viên gặp khó khăn, sau mở rộng giúp đỡ người vô gia cư và người nghèo. Khi những nhóm này được chăm lo an sinh tốt hơn, Bếp yêu thương chuyển hướng phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, F0 trong bệnh viện dã chiến.
Hàng ngày, để kịp chuyển cơm đến các bệnh viện vào cuối giờ chiều, 10 thành viên phải chuẩn bị từ 6 giờ sáng, phân công người nấu cơm, chuẩn bị thức ăn, đóng hộp. Tối đến sẽ chuẩn bị nguyên liệu cho hôm sau.
Theo cô Ngàn, để đảm bảo an toàn cho người nấu và người nhận, bếp hoạt động theo mô hình khép kín, các thầy cô giáo phải cách ly với gia đình, chuyển đến sinh hoạt tại trường.
"Bước vào năm học mới, công việc của các thầy cô có phần bận bịu hơn. Nhiều lần cả căn bếp phải làm việc trong im lặng bởi ai đó có tiết dạy", cô Nhàn nói.
Sợ ảnh hưởng đến việc dạy và học của trường, một số người đã đề xuất bếp dừng hoạt động. Nhưng khi nhận được tin nhắn cảm ơn của mọi người về những hộp cơm nghĩa tình, các thầy cô trong khoa lại động viên nhau cố gắng duy trì bếp đến khi hết giãn cách.
Thúy Quỳnh