Cuối cùng thì mối duyên của bóng đá Việt Nam và ông Troussier đã kết thúc và niềm tin của người hâm mộ Việt Nam gần như xuống đáy, họ không còn nhận ra một đội tuyển đã từng đứng thứ 95 thế giới, một đội bóng từng lọt vào top 8 Asian Cup, luôn kiên cường thi đấu với những đội bóng trong top 15 châu Á, khiến họ vô cùng khó khăn để giành chiến thắng, một đội bóng khi thi đấu luôn tạo cảm xúc cho người hâm mộ...
Những điều này khiến cho rất nhiều người hoài niệm về bóng đá Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo.
Tuy nhiên thời ông Park đã qua và theo nhiều nguồn tin ông Park sẽ không quay lại làm HLV đội tuyển Việt Nam nữa, chúng ta bây giờ có lẽ chờ đợi một huấn luyện viên mới và phù hợp hơn với bóng đá Việt Nam. Vậy thì trong 5 năm ông Park đã làm gì để bóng đá Việt Nam bay cao sau thất bại ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017 đồng thời lấy lại niềm tin của người hâm mộ, và đó cũng có thể là gợi ý cho người tiếp theo:
Lối chơi với sơ đồ 3 trung vệ và lối chơi lấy phòng ngự làm nền tảng. Tại sao ông Park lựa chọn sơ đồ này?
Bóng đá Việt Nam trở lại đấu trường quốc tế với SEA Games 1991, đến năm 2017 chúng ta đã có nhiều thành tích ở SEA Games và AFF Cup với một lần vô địch năm 2018, đội tuyển Việt Nam được đánh giá là có lối đá kỹ thuật, nhanh nhẹn phù hợp với lối chơi phối hợp nhỏ, đá kiểm soát, chuyền ngắn... tóm lại tất cả mọi người đều nghĩ đây là lối chơi phù hợp với thể trạng và thể hình của người Việt Nam.
>>Bài cùng tác giả: Kế thừa ông Park hay kiên trì với HLV Troussier?
Các huấn luyện viên đến với bóng đá Việt Nam đều xây dựng dựa trên suy nghĩ này trừ ông Miura, tuy nhiên ông Miura cũng không thể thành công với sự thay đổi của mình ra lặng lẽ ra đi sau 2 năm, đội hình chủ đạo của Việt Nam thời điểm ấy thường là 4-4-2, 4-3-3 hay 4-1-4-1 dưới thời HLV Hữu Thắng.
Trước khi ông Park đến chẳng ai trông chờ rằng ông thầy tới từ Hàn Quốc sẽ làm nên điều kỳ diệu. Người Việt vốn đã quen với thứ bóng đá đẹp, nên thứ bóng đá phòng ngự, đầy thực dụng mà ông áp vào các cầu thủ tạo nên sự thờ ơ và phản đối của các chuyên gia và người hâm mộ cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên ông Park cũng nói đúng một điều: người Việt thích bóng đá chiến thắng.
Sơ đồ 3-5-2 hay 3-4-3 không mới, nó xuất phát từ sơ đồ 5-3-2 cổ điển, thật ra bóng đá Việt Nam thập niên 1990, đầu 2000 đều chơi với sơ đồ 5 hậu vệ với libero nổi tiếng là Đỗ Khải, tuy nhiên đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ chơi với sơ đồ 3 trung vệ giăng ngang nên đây hoàn toàn là điều mới lạ với các cầu thủ và bóng đá Việt Nam.
Sơ đồ 3-4-3 nở rộ trở lại trên thế giới vào năm 2013 với AS Roma của Zdenek Zeman, tuy nhiên AS Roma dưới thời HLV này thường nhận số bàn thua ngang bằng với số bàn thắng và Zeman chỉ có thể trụ lại Roma nửa mùa, sau đó Roma lại trở về với sơ đồ 4 hậu vệ, đến năm 2016 Antonio Conte thành công rực rỡ với Chelsea với sơ đồ 3 trung vệ và 2 wingback công thủ toàn diện và nó gây sốt trên khắp thế giới cùng nhiều mổ xẻ, phân tích của giới chuyên gia.
>> Bài cùng tác giả: Thua Indonesia liên tiếp vì ông Troussier ứng biến quá chậm
Vậy tại sao ông Park lại chọn lối chơi này?
Enzo Bearzot huấn luyện giúp Italia vô địch WC 1982 có chia sẻ trong hồi ký: " So với các nước châu Âu khác thể hình và thể lực người Ý đều không bằng, vì vậy người Ý chúng tôi chọn lối đá phòng ngự số đông và nhiều tầng, như vậy không gian trước khung thành chúng tôi sẽ hẹp hơn, đối phương sẽ không có nhiều không gian để chơi bóng, khi đó khoảng cách về kỹ thuật, thể hình và thể lực sẽ được san lấp....nếu một người không tranh được bóng sẽ có ngay người khác hỗ trợ....
Khi đến Việt Nam ông Park đã nhìn ra vấn đề của đội tuyển Việt Nam chúng ta không đủ khả năng để đá bốn hậu vệ. Các trung vệ của chúng ta chưa đủ nhanh và khỏe để "bao" hết vùng không gian rộng lớn trước mặt thủ môn, và tăng cường quân số cho hàng thủ là điều nên làm.
Việt Nam cần không thua đã, trước khi nghĩ đến chuyện tấn công và giành chiến thắng. Ông thầy người Hàn Quốc đã giải quyết được vấn đề thâm căn cố đế của chúng ta: Việt Nam trong hơn 30 năm trước đó quá yếu để đá tấn công như thể hình, thể lực, kỹ thuật chúng ta gọi là tốt nhưng so với mặt bằng Đông Nam Á nhưng thua xa Thái Lan, thể lực chúng ta thua Malaysia, Indonesia nhưng vẫn sống chết chơi cho bằng được, và từ chối thứ bóng đá thực dụng, đem lại nhiều hiệu quả hơn.
Từ thành công ở giải đấu ở Thường Châu đến những thành công liên tiếp ở các giải đấu sau đó
Và giải đấu ở Thường Châu là giải đấu tốt nhất để ông Park thử nghiệm sơ đồ này:
Ở giải đấu này U23 Việt Nam lập được một thành tích vô tiền khoáng hậu với chức Á quân, nhận 9 bàn thua, ghi được 7 bàn thắng. Nhìn vào số bàn thua có vẻ không tốt lắm với một đội bóng định hướng phòng ngự nhưng nó cũng giúp ông nhìn ra được những điểm mạnh, điểm yếu trong hệ thống phòng ngự của chúng ta từ đó hoàn thiện nó.
Phát hiện lớn nhất của ông Park là vị trí của Duy Mạnh. Ông kéo Đỗ Duy Mạnh - một cầu thủ có xuất phát điểm tiền vệ - về đá trung vệ, nhằm tận dụng khả năng phất bóng của cầu thủ.
Trước đó, Mạnh "gắt" cũng từng được thử nghiệm như thế ở cấp câu lạc bộ, nhưng anh chỉ thật sự tỏa sáng khi vào tay ông Park và ai còn nhớ cú phất bóng từ phần sân nhà để Anh Đức băng vào dứt điểm cuối cùng Văn Toàn sút bồi vào lưới Syria từ đó đưa chúng ta lần đầu vào Top 4 đội mạnh nhất Asiad 2018, cho thấy ông Park đã đặt niềm tin đúng người đúng chỗ và chiến tích thường Châu năm ấy đã góp phần tạo dựng niềm tin trong các cầu thủ: " À, thì ra chúng ta có thể chơi như thế này" đồng thời lấy lại niềm tin của người hâm mộ. Từ đó ông Park có thể thoải mái xây dựng đội hình và lối đá mình mong muốn.
>> Bài cùng tác giả: Hàng công tuyển Việt Nam đá kém dưới thời ông Troussier
Sau đó đến Asiad 2018 chúng ta có thêm hai gương mặt mới là Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Anh Đức, nếu như Nguyễn Anh Đức là sự kinh nghiệm và chất thép cho hàng công thì sự xuất hiện của Hùng Dũng giúp cho tuyến giữa của Việt Nam cứng cáp hơn rất nhiều khi phải đối đầu những đối thủ mạnh.
Khả năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp tốt, tranh chấp và đọc tình huống tốt, đủ khả năng chạy 9-10 km mỗi trận, chuyền dài, ngắn, hay trung bình đều ở mức khá trở lên. Ngoài ra, cầu thủ của Hà Nội còn bổ sung thêm kinh nghiệm và chất thép cần thiết cho tuyến tiền vệ với một Xuân Trường yếu tranh chấp còn Đức Huy thì kết nối với hàng công chưa thật sự tốt.
Đến AFF Cup 2018 chúng ta có thêm sự bổ sung của Quế Ngọc Hải, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Huy Hùng nhằm gia tăng chất kinh nghiệm và chất thép cho hệ thống phòng ngự, phát hiện lớn nữa của ông Park là Trọng Hoàng với vị trí hậu vệ cánh phải.
Nhìn Trọng Hoàng thi đấu ta có thể thấy hình bóng một Victor Moses trong màu áo Chelsea dưới triều đại Conte, chạy liên tục không biết mệt mỏi, lên công, về thủ vững vàng, chính Trọng Hoàng cũng là người sút bóng khiến thủ môn Irag đỡ ra và Công Phượng đá bồi nâng tỉ số lên 2-1 trong trận gặp Irag hay là người kiến tạo cho Công Phượng gỡ hoà ở trận đấu với Jordan ở Asian Cup 2019.
Ở giải này chúng ta vô địch với vẻn vẹn 4 bàn thua/ 7 trận, trung bình 0,4 bàn/ trận một con số ấn tượng với 1 đội vô địch
Ở giải đấu tiếp theo là Asian Cup, trước các đối thủ mạnh như Irag, Iran, Jordan, Nhật Bản chúng ta đã thủng lưới 6 bàn sau 5 trận, với tỉ lệ 1,2 bại/ trận, trong đó ở vòng bảng chúng ta để lọt lưới 5 bàn, một con số nhìn có vẻ không tốt với một đội bóng được xem là phòng ngự vững vàng, tuy nhiên có một thống kê đáng chú ý của Việt Nam ở vòng bảng là trung vệ Quế Ngọc Hải không mắc bất kì một sai lầm nào trong suốt ba trận đấu ở vòng bảng và được vinh danh ở đội hình tiêu biểu vòng bảng, điều này chứng tỏ là hệ thống phòng ngự của chúng ta vẫn vận hành rất tốt, chỉ là đối thủ quá mạnh nên dù thủ có tốt đến mấy thì bị thủng lưới là điều dễ hiểu.
Ở vòng loại thứ hai WC 2022 chúng ta cũng thủng lưới 5 bàn/ 6 trận, tỉ lệ 0,8 bàn/ trận trước các đối thủ khá mạnh là UAE, Thái Lan, Maylaysia, Indonesia, điều này chứng tỏ hệ thống phòng ngự của chúng ta ngày càng hoàn thiện và rất khó công phá.
Ở vòng loại thứ ba WC 2022 khi gặp những đối thủ hàng đầu châu lục chúng ta thủng lưới 19 bàn/ 10 trận, trung bình 1,9 bàn/ trận một con số khá cao nhưng tất cả các đội bóng khi gặp chúng ta đều có một nhận định chung rằng: "Chúng tôi đã có một trận đấu khó khăn, hàng phòng ngự của họ chơi rất chắc chắn" nếu một, hai, người nói như vậy thì có lẽ là họ xã giao nhưng tất cả các đội bóng đều nói như vậy thì nó là 1 sự thật.
HLV của đội tuyển Nhật Bản Tomiyasu từng nói: " Chúng tôi rất muốn thắng đậm họ nhưng điều đó không dễ như mọi người nghĩ", HLV đội tuyển UAE Bert van Marwijk từng nói khi nhìn vào bảng đấu ở vòng loại 2 WC 2022 như sau: "Ở bảng này, Việt Nam mạnh nhất", điều đó cũng lặp lại trong phát biểu sau trận thua 1-0 ở Mỹ Đình.
Tất cả những điều kể trên cho chúng ta thấy rằng Bóng đá Việt Nam dưới thời ông Park là một tập thể mạnh với nền tảng là hàng phòng ngự kiên cố khiến cho tất cả các đội bóng đều kiên dè.
Những con số thống kê chú ý và nguyên nhân tạo nên hệ thống phòng ngự vững chắc:
Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park thi đấu 52 trận, nhận 44 bàn thua, tỉ lệ 0,84 bàn/ trận, đây là thành tích phòng ngự tốt nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Thời trước khi ông Park đến bóng chết và bóng bổng luôn và điều đau đầu với bóng đá Việt Nam với thể hình thấp bé chúng ta thường xuyên thua ở những tình huống bóng bổng khi ra đấu trường quốc tế, mỗi khi đội bạn hưởng phạt góc thì người hâm mộ Việt Nam lại lo lắng.
Tuy nhiên trong 5 năm dưới thời ông Park ở cấp đội tuyển quốc gia chúng ta chỉ nhận 3 bàn thua trong các tình huống phạt góc, 2 ở vòng loại ba World Cup, 1 ở AFF Cup 2018 trung bình trong 1 trận đấu ở VL3 WC đội bạn được hưởng khoảng 8 quả phạt góc, 10 trận là khoảng 80 quả nhưng chúng ta chỉ nhận 2 bàn thua, một con số ấn tượng, ngoài ra trong 52 trận chúng ta nhận 5 bàn thua ở các tình huống cố định, 6 bàn từ các tình huống tạt cánh đánh đầu, tổng cộng chúng ta nhận khoảng 12 bàn từ các pha bóng bổng tức là khoảng ¼ các bàn thua của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park là từ bóng bổng, bóng chết.
Một thống kê đáng chú ý ở vòng loại ba World Cup là khi gặp các đội mạnh chúng ta bị trung bình 12 cú sút trong một trận nhưng tỉ lệ lọt lưới là 1.9 bàn/ trận, tức là các đội mạnh cần khoảng trung bình 6 cú sút để có thể làm tung màng lưới đội tuyển Việt Nam.
Nếu nhìn vào Thái Lan ở vòng loại WC 2018 khi họ nhận tới 24 bàn thua trong 10 trận ( 2,4 bàn/ trận) thì mới thấy thành tích chúng ta ấn tượng thế nào. Ngoài ra có một thống kê ít người biết là trong trận hoà Nhật Bản ở Saitama, chúng ta nhận đến 24 cú sút trong 75 phút đầu trận nhưng từ phút 75 trở về sau, dù đã tung hết những cầu thủ tấn công tốt nhất vào sân Nhật Bản vẫn không sút thêm được một cú sút nào dù họ hướng rất nhiều quả phạt góc và vô số quả tạt, dù hàng phòng ngự chúng ta thiếu vắng nhiều trụ cột, điều đó cho thấy hệ thống phòng ngự của chúng ta làm việc vô cùng hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân:
Thật ra hàng phòng ngự chúng các cầu thủ không quá cao, Ngọc Hải, Duy Mạnh 1,8m, Bùi Tiến Dũng 1,75m, Văn Hậu 1,85m ( ở vòng loại ba World Cup, Văn Hậu thi đấu rất ít), Trọng Hoàng 1,71m, Hồng Duy, Văn Thanh đều không tới 1m75, như vậy chiều cao trung bình ở hàng phòng ngự Việt Nam chưa tới 1m8 nhưng chúng ta đều chống bóng bổng tốt.
Thứ hai là các trung vệ chúng ta cũng không dày mình tức là có khả năng và chạm tốt nhưng cũng không quá e ngại các tiền đạo to cao đến từ Tây Á cái này nằm ở khả năng đọc tình huống, khả năng chỉ huy hàng phòng ngự của đội trưởng Quế Ngọc Hải, các tình huống chống bóng bổng tốt của Văn Lâm nhưng góp phần nhiều nhất chính là tập trung số đông cầu thủ ở khu vực phòng ngự và cầu thủ luôn đứng đúng vị trí.
Trong các buổi tập ông Park luôn tỉ mỉ hướng dẫn các cầu thủ đứng đúng vị trí khi phòng ngự, khi vào trận đấu trên sân khi một cầu thủ đứng sai vị trí lập tức ông Park sẽ hò hét bên ngoài đường biên yêu cầu các cầu thủ đứng vào trị ví đã tập trước đó, Ngọc Hải sau tình huống cản phá hay chuẩn bị phòng ngự cũng luôn chỉ tay hướng dẫn cầu thủ đứng vào đúng vị trí ở ô phòng ngự từ đó hạn chế rất nhiều các pha nguy hiểm của đội bạn
Một điều nữa là ông Park đã nắm đội từ U23 đến tận đội tuyển quốc gia nên các cầu thủ đã thấm nhuần triết lý phòng ngự của ông thầy người Hàn Quốc từ cấp trẻ trước đó rồi nên khi một cầu thủ trụ cột bị chấn thương, cầu thủ trẻ vào thay họ cũng không quá bở ngỡ với hệ thống phòng ngự của ông Park.
Thanh Bình hay Việt Anh trưởng thành hiện nay có công sức không nhỏ của ông Park và thành quả là hai chức vô địch SEA Games liên tiếp 2019, 2022 trong đó năm 2022 chúng ta không để lọt lưới một bàn nào, một thành tích chưa từng có trong lịch sử SEA Games hoặc là ở AFF 2022 chúng ta không để lọt lưới một bàn nào trước trận chung kết.
Tất nhiên chúng ta cũng có những sai sót trong phòng ngự dẫn đến những trận thua nhưng nó nằm ở một thời điểm cá biệt hay do sự xuất sắc của một cá nhân trong đội bạn chứ nó không phản ánh hệ thống phòng ngự chúng ta kém đi, đơn cử như cú trượt chân của Hồng Duy ở bán kết AFF Cup 2020 hay sự xuất sắc của Bumanthan trong 2 trận chúng kết AFF Cup năm 2022.
Như vậy dưới thời ông Park với sơ đồ và hệ thống chiến thuật mới lạ đã tạo ra một bức tường phòng ngự vững chắc trước khung thành thủ môn Văn Lâm.
Ở Đông Nam Á chúng ta phòng ngự tốt nhất: Indonesia gặp chúng ta 5 trận, thua 3 và không ghi được bàn nào, Malay gặp chúng ta 6 trận ghi được 3 bàn, Thái Lan gặp chúng ta 7 trận ghi 5 bàn, như vậy chúng ta chỉ để thủng lưới 0,4 bàn/trận khi gặp 3 đội mạnh nhất Đông Nam Á), làm các đội bóng hàng đầu châu Á cực kỳ khó khăn để xuyên thủng màng lưới, tạo ra một vị thế mới cho bóng đá Việt Nam ở châu Á.
Phương Đường Kính
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.