Sau 5 năm dưới thời ông Park, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, dù vẫn chưa hoàn toàn vượt qua người Thái với hai lần thất bại trước họ trong hai kỳ AFF Cup liên tiếp.
Thế nhưng trong khu vực Đông Nam Á về thành tích chung chúng ta đứng đầu bao gồm:
- Bóng đá trẻ: Á quân U23 Châu Á 2018, hạng tư Asiad 2018, vô địch hai kỳ SEA Games liên tiếp, bất bại ở Đông Nam Á ở tất cả các giải đấu trẻ. Thất bại duy nhất của ông Park là ở U23 Châu Á 2020.
- Đội tuyển Quốc gia: Vô địch AFF 2018, Á quân King Cup 2019 ở Thái Lan, Tứ kết Asian Cup 2019, Á quân AFF Cup 2022, vào vòng loại 3 World Cup 2022, giành được 4 điểm, ghi 8 bàn, là đội duy nhất giành được một trận thắng ở vòng loại này.
Về lối chơi
Nhiều người nghĩ ông Park tử thủ nhưng số liệu thống kê ở vòng loại 3 thì Việt Nam ghi được 8 bàn, giành được 4 điểm, Thái Lan ở vòng loại 3 World Cup 2018 là 2 điểm và 6 bàn dù họ biết đến là đội tấn công tốt nhất Đông Nam Á.
Việt Nam gặp các đội mạnh Châu Á thường đá phòng ngự chặt, ít kiểm soát bóng và tìm cách đưa bóng lên nhanh nhất có thể nhưng khi cần chúng ta vẫn có thể tấn công tốt, như trong trận gặp Australia trên sân Mỹ Đình dù thua, nhưng chúng ta có tới 11 cú sút về khung thành đối phương, hai lần trúng đích. Australia dứt điểm 6 lần, một lần trúng đích.
Hay trong trận gặp Jordan ở Asian Cup 2019, đội tuyển Jordan khi đó đứng nhất bảng có Australia ( khi đó là đương kim vô địch), với tuyến giữa có Khalil mà nhiều bài báo phân tích là anh này còn khỏe hơn cả Kante. Nhưng cách chúng ta pressing và tấn công áp đảo họ trong cả hiệp hai và hiệp phụ đến nỗi cả trận họ không có nổi một quả phạt góc chứng tỏ khi cần chúng ta vẫn có thể tấn công rất tốt.
Ở Đông Nam Á, trừ Thái Lan các đội khác chúng ta đều chơi áp đảo về tỷ lệ kiểm soát bóng hay số cú sút. Đơn cử là trong trận thua Thái 0-2 trên sân Thái năm 2020, chúng ta kiểm soát 47% nhưng sút khung thành 14 lần với một lần chạm xà, một lần chạm cột. Tuyển Thái Lan sút chỉ có 6...
Những thống kê như trên chứng tỏ ở thời ông Park dù cấp trẻ hay đội tuyển chúng ta tấn công vẫn rất tốt và phòng thủ cũng hiệu quả trong giới hạn của một đội bóng Đông Nam Á.
Về thể lực
ông Troussier nói cầu thủ Việt Nam chỉ chạy được 60-70 phút, điều này chỉ đúng một phần nhưng với lối chơi hợp lý chúng ta có thể thi đấu sòng phẳng 120 phút với đối phương đến từ các khu vực khác, đơn cử là giải U23 Châu Á 2018, 3 trận liên tiếp chúng ta đều đá đủ 120 phút nhưng vẫn chạy tốt, đeo bám được hay đỉnh điểm là áp đảo Jordan suốt 120 phút ở Asian Cup 2019.
Về nhân sự
Ông Park tiếp nhận lứa Công Phượng, Quang Hải được đánh giá là lứa tài năng nhất trong những năm đó của Việt Nam, đặc biệt là lứa Quang Hải được tham dự giải U20 thế giới nhưng lại thất bại hầu hết ở các kỳ SEA Games 2015, 2017 và AFF Cup 2018.
Ông Park vẫn giữ lại những thành phần đó nhưng bổ sung thêm các gương mặt kinh nghiệm và đầy sức mạnh như Huy Hùng, Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng, đặc biệt là Anh Đức để hướng dẫn cho các cầu thủ trẻ và chính Anh Đức ghi bàn duy nhất trong trận chung kết AFF 2018 giúp Việt Nam vô địch và hạ Thái Lan ở King Cup 2019.
Bộ khung lúc đó là Quế Hải phòng ngự, Huy Hùng tuyến giữa, Anh Đức tuyến trên. Đến Asian Cup thì chúng ta có thêm phát hiện Hùng Dũng và Trọng Hoàng, Công Phượng từ đá cánh chuyển thành tiền đạo mục tiêu và đây là giải đấu hay nhất của Phượng.
Đến Vòng loại hai World Cup 2018, phát hiện thêm Hoàng Đức (Huy Hùng lúc này mất phong độ và không còn được triệu tập), Tiến Linh được đá chính nhiều hơn (trước đó chỉ đá dự bị). Đến vòng loại 3 thì có thêm Tuấn Hải, Việt Anh, Thanh Bình, Tấn Tài.
Trường hợp đáng tiếc nhất trong vấn đề nhân sự là cách sử dụng Đình Trọng khiến cầu thủ này chấn thương liên miên và mất luôn phong độ.
Về cách sử dụng các cầu thủ trẻ
Trong các đợt tập trung đội tuyển luôn có một nhóm các cầu thủ trẻ được triệu tập bên cạnh các cầu thủ kinh nghiệm, để họ học tập dần dần và có những người trưởng thành và chiếm suất đá chính của đàn anh.
Có thể kể đến như Hoàng Đức, Tuấn Hải, hay Văn Khang ghi được bàn thắng đầu tiên vào lưới Ấn Độ cho đội tuyển Quốc gia năm 2022 khi mới 19 tuổi, Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn duy nhất trong trận chung kết SEA Game 2022.
Tóm lại, thời ông Park đã làm tốt nhất có thể những gì mà ông có trong tay với một lối chơi hợp lý giúp Việt Nam đạt được những thành tựu trước giờ chưa bao giờ có dù về cuối nhiệm kì các đối thủ dần bắt bài ông Park nhưng trước Indonesia hay Malaysia, chúng ta vẫn là "ông kẹ".
5 năm thường là thời gian hết một chu kỳ và ông Park ra đi là điều hợp lý. Ông Troussier đến với bóng đá Việt Nam, với kỳ vọng tiếp nối những thành công của ông Park và tạo động lực mới cho nền bóng đá Việt Nam và với một lối chơi mới, hấp dẫn hơn, chủ động hơn để Việt Nam có thể tiến xa hơn.
Về lứa trẻ
Nhiều người nói lứa này là kém nhất trong 10 năm qua, tôi không đồng ý điều này khi nhìn về những gì họ đạt được: Vô địch U23 Đông Nam Á, vô địch SEA Games 2022 với thành tích không để thủng lưới, lọt vào tứ kết U23 Châu Á 2022, nhiều cầu thủ đã được ăn cơm tuyển thường xuyên dưới thời ông Park như Văn Đô, Văn Khang, Tuấn Tài, Thanh Bình, Việt Anh... trong bóng đá trẻ Đông Nam Á nếu lứa này yếu kém thì các đội Đông Nam Á khác chắc còn kém hơn.
Về các cầu thủ kinh nghiệm
Nhiều người đã xuống phong độ nhưng không phải tất cả, họ vẫn là nhân tố chính ở CLB như Hùng Dũng, Tuấn Anh, Hoàng Đức, Duy Mạnh, Tấn Tài, Văn Thanh, Văn Toàn, Tiến Linh, Tuấn Hải, Thanh Bình, Việt Anh... và họ đủ sức thi đấu cho đội tuyển nhưng khi được triệu tập họ lại ích khi có dịp ra sân (trừ Tuấn Anh), Hùng Dũng vẫn chạy miệt mài khi được đá, Hoàng Đức vẫn tung ra các đường chuyền chọc khe tinh tế, Tuấn Hải vẫn hoạt động không ngại và chạm chứng tỏ họ vẫn đẳng cấp và khao khát được cống hiến.
Về thể lực
Các cầu thủ Việt Nam hiện nay đá tới phút 70 là hết hơi theo đúng như lời ông Troussier nhưng như vậy là lỗi cầu thủ hay lỗi HLV? Vì ông ấy là người chọn cầu thủ, chiến thuật cũng là ông ấy chọn, cầu thủ không phân phối sức hợp lý là tự cầu thủ ấy hay chiến thuật đòi hỏi.
Về lối chơi
Ở SEA Games, dù gặp đối thủ yếu hay mạnh thì các cầu thủ Việt Nam vẫn đá rất chán, cứ đến 1/3 sân đối phương chúng ta thương loay xoay không biết làm gì. Đơn cử là ở vòng bảng có những trận chúng ta tấn công cực kỳ bế tắc trước các đối thủ từ Lào, Malaysia, Singapore. Khi mở tỷ số ở hiệp hai, chúng ta mới tấn công tốt lên một chút.
Ở đội tuyển thì càng tệ hơn, chúng ta không thủ được mà tấn công cũng không xong.
Tóm lại sau một năm từ háo hức được chứng kiến sự đổi mới của tuyển Việt Nam thị bây giờ chỉ còn lại một nỗi thất vọng ê chề. Đội tuyển bây giờ giống như một đội tuyển "tham dự Olympic" hơn là một đội tuyển tập hợp tinh hoa của một nền bóng đá.
Câu hỏi đặt ra liệu rằng chúng ta nên phát triển bóng đá Việt Nam theo cách kế thừa với di sản của ông Park, hay là tiếp tục kiên trì với sự cách tân của ông Troussier?
Phương Đường Kính
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.