Thứ hai, 19/9/2022, 09:37 (GMT+7)

Di sản một đời phụng sự của Nữ hoàng Elizabeth II

Trong hơn 70 năm phụng sự vương quốc, Nữ hoàng Elizabeth II là "pháo đài" bảo vệ các giá trị truyền thống, đóng góp lớn cho chính sách đối nội, đối ngoại của nước Anh.

Cuộc đời phụng sự Vương quốc Anh của Nữ hoàng Elizabeth II được kết nối bởi hai khoảnh khắc. Tại mỗi khoảnh khắc, với một chiếc ghế, một chiếc bàn, một chiếc micro và một bài phát biểu, bà gửi đi những thông điệp bằng giọng nói có đôi chút dè dặt trước đám đông.

Khoảnh khắc đầu tiên tràn ngập tươi sáng, dù người dân Anh vừa trải qua một mùa đông khủng khiếp hậu chiến tranh. Một công chúa 21 tuổi ngồi thẳng lưng, mái tóc đen được búi gọn gàng, cổ đeo hai chuỗi ngọc trai. Cô gái ấy xinh đẹp rạng ngời với làn da căng trẻ không tì vết.

Cô cam kết dành cả cuộc đời phụng sự nhân dân. "Tôi sẽ không có đủ sức mạnh để thực hiện trọng trách này một mình", cô nói, đề nghị được mọi người đồng hành trong những năm tháng về sau.

Ảnh trên: Công chúa Elizabeth phát biểu trong ngày sinh nhật 21 tuổi năm 1947. Ảnh dưới: Nữ hoàng Elizabeth II phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II ở London năm 2020. Ảnh: BBC.

Khoảnh khắc thứ hai trang trọng hơn. Hơn bảy thập kỷ sau, trong dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc chiến tranh ở châu Âu, người phụ nữ năm nào giờ ngồi bên bàn làm việc, trên đó đặt bức ảnh vua cha quá cố.

Mái tóc của bà vẫn được búi gọn, nhưng đã bạc trắng. Bà mặc một chiếc váy màu xanh với hai chiếc trâm cài và đeo ba chuỗi ngọc trai. Dấu vết của thời gian hiện rõ trên khuôn mặt bà, nhưng đôi mắt vẫn lấp lánh và giọng nói vẫn ngân vang rõ ràng. Trên bàn làm việc của bà còn đặt một chiếc mũ kaki tối màu gắn huy hiệu.

"Tất cả đều có một phần trách nhiệm", bà nói về cuộc chiến đã kết thúc rất lâu trước đây.

Chiếc mũ kaki thuộc về Nữ hoàng, khi bà là thành viên Lực lượng Bổ trợ Bảo vệ Lãnh thổ vào năm 1945. Đây là lực lượng được Lục quân Anh thành lập vào tháng 9/1938, dành cho các phụ nữ tình nguyện tham gia hỗ trợ quân đội trong Thế chiến II.

Công chúa Elizabeth khi đó đã nài nỉ vua George VI cho phép tham gia lực lượng, để bà có thể được mặc bộ quân phục và thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ quân đội, ngay cả khi cuộc chiến đã tới hồi kết. 75 năm trôi qua, chiếc mũ mang theo niềm tự hào khi bà phát biểu trước quốc gia nhân kỷ niệm chiến thắng của cuộc chiến khi xưa.

Chiếc mũ chính là lời nhắc nhở đơn giản về những gì mà bà ngưỡng mộ nhất. Đó là tinh thần phụng sự mà bà đã dành cho Vương quốc Anh từ hàng thập kỷ trước, trong những năm tháng trị vì, cho Khối Thịnh vượng chung. Đó cũng chính là điều mà bà tin là trọng tâm của ngôi vị được thừa kế và nguyện dành cả cuộc đời để cống hiến.


Công chúa Elizabeth mặc quân phục trong thời kỳ Thế chiến II.

Người gìn giữ truyền thống của nước Anh hiện đại

"Dù lời thề phụng sự đó được đưa ra trong những năm tháng còn non trẻ, tôi chưa từng hối tiếc hay muốn rút lại nó dù chỉ một từ", Nữ hoàng Elizabeth II nói nhân dịp kỷ niệm 25 năm kế vị.

Trong những năm tháng tuổi trẻ, Nữ hoàng Elizabeth rất ít nói, hiếm khi tiết lộ về bản thân trước công chúng. Bà chưa từng trả lời phỏng vấn. Trong một hoặc hai lần được ghi hình, bà trò chuyện với một người bạn thân thiết về các chủ đề không thể gây tranh cãi, như bộ sưu tập trang sức hoàng gia.

Mọi lời nói của bà đều được soi xét kỹ lưỡng và có thể trở thành nguồn cơn của những tranh cãi. Nhưng bà rất cẩn trọng và bạn bè của bà cũng rất trung thành, nên hầu như mọi thông tin quan trọng đều không bị rò rỉ.

Tới khi trưởng thành hơn, bà không còn ngó lơ truyền thông như trước. Bà đã cho phép truyền hình trực tiếp lễ đăng quang, phát sóng thông điệp chúc mừng Giáng sinh hàng năm gửi tới người dân. Bà cũng đã quyết định phát biểu trực tiếp trước toàn quốc sau khi Công nương Diana qua đời. "Tôi phải xuất hiện để tăng sự tin tưởng vào hoàng gia", bà nói.

Những chương trình phát sóng, bản tin trên báo, những bức ảnh chụp bà trong bộ trang phục được lựa chọn kỹ càng là một phần công việc của Nữ hoàng, vị trí mà bà đã cam kết cống hiến cả cuộc đời.

Tuy nhiên, trong những sự kiện công khai đó, bà không nói về cảm xúc của mình. Nữ hoàng Elizabeth II đến từ một thế hệ và một quốc gia cảm thấy không cần phải chia sẻ cảm xúc riêng. Quốc gia đó sẽ thay đổi, nhưng bà thì không.

Số phận và tính cách của bà có sự trái ngược. Số phận của Elizabeth là trở thành Nữ hoàng, nhưng bà đã công khai về việc thích những gì thuộc truyền thống và không muốn thay đổi. Trái tim của bà hướng về vùng quê với những con ngựa, chó và nhiều động vật yêu thích khác. Đó là một nơi mà mọi thứ sẽ thay đổi từ từ.

"Tôi thấy một điều đáng buồn là mọi người không cống hiến cả đời cho công việc, mà họ thử làm những điều khác nhau trong suốt thời gian đó", bà nói cuối những năm 1980.


Elizabeth từ lúc là Công chúa đến khi đăng quang ngôi vị Nữ hoàng.

Quân vương và chế độ quân chủ luôn gắn liền với nhau. Một quân vương thích truyền thống sẽ dẫn tới một chế độ quân chủ được xây dựng trên nền tảng đó.

Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử Anh. Giành thắng lợi nhưng kiệt quệ sau Thế chiến II, Anh không còn là một cường quốc kinh tế hay quân sự toàn cầu.

Khi nền kinh tế Anh chuyển mình trong thời kỳ hậu chiến, những trật tự và giá trị cũ như nhà thờ và tầng lớp quý tộc hay sự phân tầng giai cấp sụp đổ. Những mặt hàng tiêu dùng như tủ lạnh, máy giặt, TV, máy hút bụi đã thay đổi cuộc sống của các gia đình và xã hội.

Phụ nữ tham gia lực lượng lao động, các cộng đồng lao động cũ bị đẩy vào những khu ổ chuột. Một xã hội từng gắn kết và đồng nhất trở nên đa dạng hóa và phân tầng, chủ nghĩa cá nhân được đề cao, khiến giá trị về sự ổn định và trung thành trước đây bị lung lay.

Hoàng gia Anh cũng chứng kiến nhiều thay đổi, đặc biệt là vào giai đoạn đầu triều đại của Nữ hoàng. Sự kết thúc của "mùa ra mắt" đồng nghĩa con gái của các gia đình "tốt nhất" không còn được giới thiệu ở cung điện. Hay các buổi phát sóng truyền hình có nghĩa người dân Anh có thể nhìn thấy Nữ hoàng của họ và chứng kiến cuộc sống thường ngày của bà. Đầu tiên là chương trình phát sóng mùa Giáng sinh, sau đó là một bộ phim tài liệu vào cuối những năm 1960.

Tuy nhiên, thay đổi này rất nhỏ. Khi thập kỷ thứ bảy trên ngai vàng của Nữ hoàng Elizabeth II sắp kết thúc, một chế độ quân chủ vẫn mang đậm hình ảnh của quá khứ: lễ đón Giáng sinh và năm mới tại Sandringham, lễ Phục sinh tại Windsor, kỳ nghỉ hè dài ở Balmoral, Lễ rước Quân kỳ, trường đua ngựa hoàng gia, cùng nhiều sự kiện truyền thống khác.

Khi sự thay đổi xuất hiện ngày càng nhiều, Nữ hoàng đã phản kháng. Số phận của bà là thừa kế vương vị khi đất nước ở đỉnh cao thay đổi và trị vì khi sự thay đổi diễn ra xung quanh cung điện. Nhưng bản thân bà không muốn thay đổi.

Sự kháng cự trước những thay đổi lớn và tình yêu đối với các giá trị truyền thống là sức mạnh lớn nhất của Nữ hoàng Elizabeth II, nhưng cũng khiến bà đối mặt với những thử thách. Bà ủng hộ giá trị truyền thống của hôn nhân, nhưng lại phải đối mặt với những vụ ly hôn đình đám của các con trai, con gái mình.

Với Nữ hoàng Elizabeth, gia đình luôn đứng thứ hai sau vương vị. Khi hai người con đầu lòng của bà, Hoàng tử Charles và Công chúa Anne, chỉ mới chập chững biết đi, họ đã phải sống xa bố mẹ, bởi Nữ hoàng và Hoàng thân Philip có chuyến công du vòng quanh thế giới dài 6 tháng.

Elizabeth được trao vương miện và trọng trách của một Nữ hoàng khi mới chỉ là cô gái 25 tuổi. Bà rất coi trọng những trách nhiệm đó. Bởi vậy, nhiều quyết định về những đứa trẻ đã được giao cho Hoàng thân Philip.

Hôn nhân của ba trong bốn người con của Nữ hoàng đều tan vỡ. Bà tin vào hôn nhân, đó là sự kết hợp giữa đức tin vào Kito giáo và sự hiểu biết của bà về xã hội. "Ly dị và ly thân nằm trong số những điều đen tối nhất trong xã hội của chúng ta ngày nay", bà từng nói.

Không cha mẹ nào muốn thấy hôn nhân của con cái đổ vỡ. Năm 1992, thời kỳ mà Nữ hoàng tuyên bố là "năm khủng hoảng", chứng kiến cuộc ly hôn của Công chúa Anne và người chồng Mark Phillips, trong khi Hoàng tử Andrew và Công nương Sarah, Thái tử Charles và Công nương Diana cũng ly thân trước khi ly hôn năm 1996.

"Một nốt trầm trong cuộc đời bà", một nhà viết tiểu sử nói.

70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II
 
 
Hơn 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Video: BBC.

Đến giữa những năm 1990, chế độ quân chủ dường như không còn được đón nhận ở Anh. Truyền thông nước này bắt đầu đăng các bài bình luận hoài nghi về tương lai của chế độ quân chủ tại Anh.

Đêm 31/8/1997, Công nương Diana qua đời trong một tai nạn xe hơi ở Paris. Cả nước Anh bàng hoàng, một thảm hoa trải dài trước Cung điện Kensington. Nhiều người ở Vương quốc Anh đau buồn trước sự ra đi của Công nương Diana, nhưng cột cờ phía trên Điện Buckingham vẫn trống trơn.

"Hãy cho chúng tôi thấy sự quan tâm của Bệ hạ" là tiêu đề một bài viết trên Daily Express. "Nữ hoàng của chúng ta ở đâu?", tờ The Sun đặt câu hỏi.

Trong suốt 5 ngày sau đó, Nữ hoàng vẫn ở lâu đài Balmoral, Scotland, như thể không biết gì về nỗi mất mát của đất nước. Điện Buckingham sau đó giải thích ngắn gọn rằng động thái đó nhằm bảo vệ và an ủi Hoàng tử William và Harry.

Với tính cách không thích sự thay đổi của Nữ hoàng, mọi hoạt động tại lâu đài Balmoral không bị gián đoạn và không có lá cờ nào được treo trên Điện Buckingham khi bà vắng mặt.

Nhưng Nữ hoàng dường như nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng. Bà vội vã trở về thủ đô và tới Điện Buckingham, dừng lại để nhìn những bông hoa chất đầy xung quanh. "Chúng tôi lo rằng khi Nữ hoàng ra khỏi xe, bà sẽ bị la ó và chỉ trích", một cựu quan chức Điện Buckingham nói.

Ban đầu, bà từ chối đưa ra phát biểu trên truyền hình, nhưng sau đó đổi ý. Bà phát biểu trước toàn quốc ngay trước khi bản tin 6h của BBC lên sóng. Nữ hoàng hầu như không có thời gian để chuẩn bị.

Bài phát biểu của bà được đánh giá là hoàn hảo, dù khá ngắn gọn. Nữ hoàng nói về "những bài học được rút ra", về vai trò của một người bà và về "quyết tâm lưu giữ ký ức về Diana".

Đó là một chiến thắng mà Nữ hoàng giành được giữa cuộc khủng hoảng. Và đây cũng là lần duy nhất số mệnh và tính cách của bà xung đột, suýt dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Ảnh trên: Nữ hoàng Elizabeth II (giữa) chụp cùng Thái tử Charles và hôn thê Diana Spencer năm 1991. Ảnh dưới: Nữ hoàng và Hoàng thân Philip đứng giữa những bó hoa tưởng niệm Công nương Diana năm 1997. Ảnh: BBC.

Di sản đối ngoại

Trong sự nghiệp quân vương của mình, Nữ hoàng Elizabeth II đã công du tới 117 quốc gia, vùng lãnh thổ, di chuyển quãng đường tổng cộng hơn 1.661.668 km, khiến bà trở thành một trong những nguyên thủ được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Khi Nữ hoàng tới thăm Australia năm 1954, khoảng 2/3 dân số đất nước được cho là đã tới gặp bà. Năm 1961, hai triệu người đã xếp hàng trên đường từ sân bay tới thủ đô New Delhi, Ấn Độ để chào đón bà. Tại Calcutta, 3,5 triệu người đã đứng và chờ đợi được gặp Nữ hoàng.

Các chuyến công du quốc tế thay mặt chính phủ Anh được xem như công cụ ngoại giao quan trọng của Nữ hoàng. Nhiều người tin rằng ảnh hưởng của Nữ hoàng sẽ có lợi cho các mối quan hệ giữa Anh với nơi mà bà đến thăm.

Du thuyền Hoàng gia, Chuyến bay của Nữ hoàng, các bữa tiệc và dạ tiệc đều rất hấp dẫn và là trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng đó luôn là công việc khó khăn, với nhiều ngày hoặc nhiều tuần phải tiếp khách, tham dự triển lãm hoặc lễ khai mạc, dùng bữa với các quan chức, cùng vô số bài phát biểu.

"Những ai đã theo dõi một chuyến công du của Hoàng gia Anh sẽ khó có thể cho rằng đó là niềm vui cho những ai là nhân vật chính", Jonny Dymond, biên tập viên của BBC, cho hay.

Nữ hoàng Elizabeth hiếm khi đi nghỉ bên ngoài Vương quốc Anh. Những chuyến công du nước ngoài của bà thường đánh dấu bước thay đổi trong quan hệ của Anh với nơi bà tới. Bà từng tới Đức năm 1965, tới Trung Quốc năm 1986, Nga vào năm 1994.

Chuyến thăm Nam Phi thời kỳ hậu chế độ apartheid năm 1995 được bà gọi là "một trong những trải nghiệm nổi bật nhất trong cuộc đời". Trong khi đó, Tổng thống Nelson Mandela mô tả đó là "một trong những khoảnh khắc khó quên nhất trong lịch sử của chúng tôi".


Những chuyến công du của Nữ hoàng Elizabeth II.

Nhưng không chuyến thăm nào đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ đối ngoại nhiều như chuyến công du tới Ireland năm 2011. Chưa quân vương nào của Anh từng tới vùng đất này trong một thế kỷ trước đó. Khi ông của Nữ hoàng tới thăm năm 1911, đảo Ireland là một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland.

Năm 1922, đảo Ireland tách thành hai phần. Vùng phía nam tuyên bố độc lập, trở thành Cộng hòa Ireland, còn khu vực phía đông bắc, được gọi là Bắc Ireland, vẫn là một phần của Vương quốc Anh.

Từ năm 1960, phong trào đấu tranh bạo lực của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) bùng nổ, với các cuộc tấn công khủng bố nhằm chống lại sự cai trị của Anh ở Bắc Ireland.

Dù xung đột được cho là kết thúc vào năm 1998 bằng thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành, nhiều người khi đó cho rằng không bao giờ có thời điểm thích hợp cho một chuyến thăm của Nữ hoàng Anh tới Cộng hòa Ireland, bởi mối đe dọa đánh bom, khủng bố từ IRA vẫn rất cao.

Nhưng Nữ hoàng vẫn quyết định tới Dublin ngày 17/5/2011 và không né tránh quá khứ. Tại Khu vườn Tưởng niệm ở trung tâm Dublin, nơi tôn vinh những người đã chiến đấu cho nền độc lập của Ireland, bà đặt một vòng hoa và cúi đầu trước những người đã thiệt mạng.

Vào bữa tối, Nữ hoàng mở đầu bài phát biểu bằng tiếng Ireland, thu phục gần như mọi trái tim của người dân trên hòn đảo. Một bài phát biểu chứa đựng âm hưởng của lời xin lỗi.

"Khi nhìn lại những gì đã diễn ra trong lịch sử, chúng ta có thể thấy những điều mà mình mong muốn đã xảy ra theo chiều hướng khác, hoặc hoàn toàn không xảy ra", bà nói.

Trước chuyến thăm Ireland, một sử gia cho rằng "rất khó chỉ ra những thành tựu lớn" trong triều đại của bà. Nhưng chuyến công du 4 ngày, với những lời nói và hành động hoàn hảo, đã giúp Nữ hoàng xóa sạch nhiều thế kỷ ngờ vực và hiềm khích.

Giới quan sát cho rằng đây có lẽ là di sản to lớn nhất mà Nữ hoàng đã làm cho ngôi vị của bà và cho Vương quốc Anh.

Ireland từng là nỗi ám ảnh với nhiều thủ tướng Anh dưới thời Nữ hoàng. Thủ tướng Winston Churchill từng nói về việc cứu người Ireland "khỏi chính họ" trong Thế chiến II. Trong diễn văn đánh dấu kết thúc Thế chiến II, Churchill thậm chí còn bóng gió rằng Anh có thể đã chiếm Ireland bằng vũ lực trong thời kỳ này, nhưng không làm vậy vì thiện chí và danh dự.

Boris Johnson, một trong những thủ tướng cuối cùng của bà, cũng đau đầu với vấn đề biên giới của Ireland khi Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit.

Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm lịch sử tới Ireland năm 2011. Ảnh: Rollingnews.

Di sản đối nội

Đôi tai biết lắng nghe, kinh nghiệm, quan điểm về lịch sử Anh và thế giới của Nữ hoàng đã giúp ích rất nhiều. Trong các buổi hội kiến hàng tuần với các thủ tướng, công việc của bà không phải là vận động hành lang cho bất kỳ mục đích cá nhân nào hoặc cố gắng thay đổi quan điểm chính phủ theo cách này hay cách khác. Bà chỉ đưa ra lời khuyên, động viên hoặc cảnh báo với các thủ tướng.

Bà ở đó để lắng nghe. Tất cả 15 thủ tướng dưới thời Nữ hoàng Elizabeth II có thể hoàn toàn tin tưởng bà sẽ không tiết lộ bất kỳ điều gì họ nói với bà. Vì vậy, bà là người duy nhất mà họ có thể trò chuyện, người thực sự hiểu về bộ máy nhà nước này. Đối với rất nhiều thủ tướng Anh, đây giống như một sự giải tỏa, giúp họ thoát khỏi tâm lý đề phòng, khi xung quanh luôn có cả đồng nghiệp và đối thủ.

"Họ trút bỏ gánh nặng với tôi hoặc nói với tôi về những gì đang xảy ra. Nếu họ gặp bất kỳ vấn đề gì, đôi khi đó cũng là một cách để giúp đỡ", bà từng nói trong một cuộc phỏng vấn.

Hầu hết thủ tướng Anh đều ca ngợi những nỗ lực phi thường mà Nữ hoàng đã dành cho công việc của bà. Những chiếc hộp màu đỏ chứa tài liệu chính phủ đều được bà mang theo khi đi nghỉ ở lâu đài Balmoral, trên các chuyến tàu hoàng gia, và khắp những nơi bà từng tới.

Thư ký riêng của Nữ hoàng từng chia sẻ bà dành ba tiếng mỗi ngày để đọc các điện tín từ Bộ Ngoại giao, báo cáo về công việc của quốc hội, các bản ghi nhớ của bộ trưởng và những biên bản họp nội các.

Bà nhớ mọi thứ từng đọc. "Tôi đã rất ngạc nhiên khi Nữ hoàng nắm được tất cả chi tiết trong các tin nhắn và điện tín", cựu thủ tướng Harold Macmillan nói.

Vai trò chính trị của quân vương Anh hầu như không còn vào thời điểm bà lên ngôi. Hai lĩnh vực còn lại mà bà thể hiện vai trò của một quân vương gồm bổ nhiệm thủ tướng và thành lập chính phủ, cũng như cho biết khi nào quốc hội Anh có thể bị giải tán.

Trong giai đoạn đầu nắm quyền, trước khi đảng Bảo thủ bắt đầu bầu lãnh đạo, bà đã quyết định người sẽ thành lập chính phủ mới khi một thủ tướng đảng Bảo thủ từ chức, bất chấp những tranh cãi.

Nhưng khi đảng Bảo thủ bắt đầu bầu lãnh đạo, bà không còn làm điều này nữa. Trong nhiều thập kỷ, ý tưởng Điện Buckingham tham gia vào một quyết định như vậy đã trở nên xa lạ trong nền chính trị Anh. Các cuộc tranh luận giữa các ứng viên được tổ chức trước bầu cử, để Điện Buckingham không phải đưa ra quyết định chính trị về chọn người thành lập chính phủ mới.

Nữ hoàng không bao giờ có lý do để từ chối đề nghị giải tán quốc hội và sẽ là bất ngờ lớn nếu làm như vậy. Bà hiểu rõ vai trò hạn chế mà mình được thừa kế. Tiếng nói chính trị của Nữ hoàng cũng gần như biến mất.

Chính việc tránh xa mọi tranh cãi chính trị với tư cách là nguyên thủ quốc gia đã giúp Nữ hoàng đạt được thành công trong vai trò này, khiến bà ngày càng được nhiều người Anh yêu mến và kính trọng.

Ông nội của Nữ hoàng đã đặt nền móng cho một chế độ quân chủ phụng sự đất nước hơn là cai trị, nhưng dành phần lớn thời gian theo đuổi đam mê săn bắn. Cha của Nữ hoàng phải kế thừa ngôi vị mà ông không mong muốn vì anh trai đột ngột thoái vị. Ông đã dành lớn thời gian với niềm đam mê phục vụ quân ngũ.

Sau những khủng hoảng và chỉ trích vào những năm 1990, tương lai của chế độ quân chủ Anh đã tươi sáng trở lại. Khi nước Anh liên tiếp trải qua những biến động chính trị, một Nữ hoàng kiên định, không bao giờ gây tranh cãi đã trở thành biểu tượng cho sự ổn định cho một đất nước bị bao trùm bởi sự thay đổi, thất vọng và chia rẽ.

Đây là phần thưởng cho sự kiên trì vô tận của bà, cho việc từ chối biểu lộ cảm xúc cá nhân hay chia sẻ quan điểm, cũng như từ chối chọn phe hoặc phản ứng trước các mũi dùi chỉ trích hướng về bà và gia đình trong nhiều thập kỷ.


Nữ hoàng Elizabeth II trong các đại lễ Vàng, Kim cương và Bạch kim.

Nữ hoàng khác biệt với tất cả không phải bởi tước vị của bà, mà bởi chính con người bà. Giữa một quốc gia bảo thủ trong giai đoạn thay đổi không ngừng, bà đã biến chế độ quân chủ thành nơi lưu giữ những điều tốt đẹp của quá khứ mà cả quốc gia yêu mến.

Nữ hoàng Elizabeth II làm được điều này bởi tính cách của bà phản ánh những gì mà nhiều người Anh coi là tốt nhất: sự khiêm tốn, không phàn nàn, tiết kiệm, thông minh, nhạy bén, chân chính, không cầu kỳ, hay cười, ít nóng giận và luôn lịch sự.

"Tôi là pháo đài cuối cùng của các tiêu chuẩn", bà từng nói.

"Bà không khoe khoang mình có cách cư xử tốt hơn hay xã giao tốt hơn người khác, mà chỉ giải thích về vai trò và cuộc đời mình", bình luận viên Jonny Dymond của BBC nhận định. "Đó là cuộc đời để trở thành một người Anh tốt nhất, một quân vương cống hiến hết mình cho quốc gia".

Thanh Tâm (Theo BBC, Guardian, NPR)