Trong diễn văn đầu tiên trước công chúng Anh năm 1940, Elizabeth, cô công chúa 14 tuổi của Thái tử Albert và Công nương Elizabeth Bowes - Lyon, đã gửi thông điệp về "niềm hạnh phúc và lòng dũng cảm" đến trẻ em đất nước. Công chúa đặc biệt quan tâm đến những người bạn đồng trang lứa phải đi sơ tán, khi châu Âu sục sôi với khói lửa chiến tranh trong giai đoạn đầu của Thế chiến II.
Ít ai khi đó đoán trước được rằng, giọng nói hôm ấy trên sóng vô tuyến Anh sẽ dần trở thành âm thanh quen thuộc với hầu hết người dân trên đảo quốc và hàng triệu người trên khắp thế giới trong hơn 80 năm sau.
Khi Nữ hoàng 96 tuổi trút hơi thở cuối cùng hôm 8/9 ở lâu đài Balmoral tại Scotland, triều đại Elizabeth II khép lại sau hơn 70 năm trị vì, kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nước Anh. Trong hơn 7 thập kỷ, bà đã dẫn dắt hoàng gia Anh và đất nước bước qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sóng gió của lịch sử.
Bà đã bổ nhiệm 15 đời thủ tướng Anh, đón rất nhiều thượng khách từ các nước, từ vua chúa, tổng thống đến lãnh đạo tôn giáo. Suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng luôn tận tụy thực hiện nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia của một cường quốc châu Âu chuyển mình theo biến động của thời đại.
Truyền thông Anh ca ngợi bà là "biểu tượng ổn định" của đất nước suốt hơn 7 thập kỷ qua, khi hoàng gia và người dân cần một điểm tựa tinh thần giữa các biến cố.
"Bà luôn đặt nhiệm vụ làm ưu tiên hàng đầu, dù những người cùng thế hệ với bà từ lâu đã cho phép mình được nghỉ ngơi. Khi bà lên ngôi, người dân đã đặt kỳ vọng vào một kỷ nguyên Elizabeth của hòa bình và thịnh vượng. Điều đó đã trở thành hiện thực, chúng ta chứng kiến những thập kỷ của thay đổi vượt bậc và mức sống của hầu hết người dân đều được nâng cao", nhà sử học Elizabeth Norton bình luận.
Theo Norton, Nữ hoàng Elizabeth II đã trải qua nhiều sóng gió trong 96 năm cuộc đời, nhưng bà đều vượt qua một cách kiên định, vững vàng.
"Nữ hoàng Elizabeth II đứng ngoài hầu hết những nội tình hoàng gia gây tranh cãi, đặc biệt là những năm cuối đời. Bà sẽ được nhớ đến trong ký ức người Anh với hình ảnh một trong những vị quân chủ được yêu mến nhất thời hiện đại", Norton nhận định.
Khi Elizabeth chào đời vào năm 1926, vương vị không nằm trong kế hoạch mà Thái tử Albert cùng công nương Elizabeth Bowes - Lyon muốn dành cho công chúa.
Cuộc sống của gia đình đảo lộn khi Vua Edward VIII, anh trai Albert, bất ngờ thoái vị để theo đuổi tình yêu cùng một phụ nữ Mỹ vào năm 1936. Albert đăng cơ, lấy hiệu là Vua George VI, và Elizabeth được xếp vào danh sách kế vị trực tiếp.
Vua George VI băng hà ở tuổi 56, sau gần hai thập kỷ trị vì. Bà nối ngôi vua cha, chính thức đăng cơ năm 1953 và trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.
Nữ hoàng Elizabeth II trong 96 năm cuộc đời đã chứng kiến vô số thay đổi của thời cuộc. Trong giai đoạn đầu trị vì, bà cho chuyển các buổi tiệc thường niên dành cho giới thượng lưu giàu có khỏi Điện Buckingham, mở cửa khu vườn mùa hè cho y tá, thợ hồ và những người lao động bình dân khác đến tham quan. Đó là giai đoạn nước Anh từng bước thoát khỏi cấu trúc phân tầng xã hội cứng nhắc của mình.
Năm 1949, Elizabeth từng chỉ trích ly hôn và ly thân là "những tội ác đen tối nhất". Đến thập niên 1990, bà lại phải chấp nhận không can thiệp vào những cuộc hôn nhân đổ vỡ của con cháu mình, từ Thái tử Charles đến Công nương Diana. Năm 1998, bà cũng công khai ủng hộ những kế hoạch chấm dứt tình trạng phân biệt giới tính về quyền thừa kế ngai vàng hoàng gia Anh.
Không chỉ ở góc độ thay đổi văn hóa, kỷ nguyên Elizabeth II còn gắn liền với những bước tiến vượt bậc về công nghệ thông tin của thế giới. Nữ hoàng là vị quân chủ Anh cuối cùng gửi điện tín và là người đầu tiên đăng thông điệp trên Twitter.
Bà cũng là vị quân chủ đầu tiên trong lịch sử Anh gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến người dân qua truyền hình. Trang mạng của hoàng gia Anh kết nối Internet vào năm 1997, mở kênh YouTube một thập kỷ sau, lên Twitter năm 2009 và mở tài khoản Facebook cùng Flickr một năm sau.
"Bà thể hiện tính cách điềm đạm trước công chúng. Phong cách cá nhân cũng không thay đổi nhiều. Điều đó tạo nên trong tâm trí người dân Anh hình ảnh một nguyên thủ kiên định và ổn định giữa tốc độ thay đổi chưa từng có tiền lệ về công nghệ và văn hóa. Tuy nhiên, bà vẫn âm thầm không để mình bị lạc hậu giữa dòng chảy thời cuộc", Eloise Parker, biên tập viên trang HelloMagazine.com, chia sẻ.
Christopher Warwick, một người viết tiểu sử cho hoàng gia, nhận định Nữ hoàng Elizabeth II đã có tác động lớn đối với nỗ lực cải cách quy tắc và định kiến cũ kỹ. Bà vừa không thay đổi quá nhiều, vừa sẵn sàng thay đổi để phù hợp hơn với thời cuộc.
Ông ca ngợi nữ hoàng, phía sau cánh cửa hào nhoáng của cung điện và trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu hoàng gia, thực chất là một phụ nữ khiêm nhường và bình dị như bao người dân Anh khác.
Thay đổi không phải lúc nào cũng là quyết định dễ dàng. Hoàng gia trong kỷ nguyên Elizabeth II đã chịu vô số đàm tiếu trên truyền thông, đặc biệt từ khi đế chế báo lá cải của tỷ phú Mỹ Rupert Murdoch đổ bộ đảo quốc. Khi công nương Diana qua đời vào năm 1997, Nữ hoàng còn bị truyền thông chỉ trích là quá lạnh nhạt và xa cách.
Dù vậy, Nữ hoàng Elizabeth II luôn theo sát các diễn biến chính trị và quan điểm công chúng. Công chức Anh thường gọi bà là "Người đọc số Một", vì bà đọc rất kỹ mọi thông tin và tài liệu mà chính phủ gửi đến.
Các đời thủ tướng Anh đều đánh giá Nữ hoàng Elizabeth II là một người am hiểu rộng về các vấn đề trong nước lẫn quốc tế.
Trong hồi kỳ của mình, "bà đầm thép" Margaret Thatcher cho hay bà luôn nhận thấy thái độ của Nữ hoàng với công việc của chính phủ "hoàn toàn chính xác". "Bệ hạ có sự hiểu biết đáng kinh ngạc về các vấn đề đương đại và kinh nghiệm phong phú", Thatcher viết.
Cựu thủ tướng Tony Blair cũng khẳng định ông có thể thảo luận mọi vấn đề với Nữ hoàng.
"Nữ hoàng duy trì sự điềm đạm và trung lập trong bầu không khí chính trị, kinh tế thay đổi không ngừng tại Anh. Kỷ nguyên trị vì của bà có thể được tóm gọn trong khẩu hiệu quen thuộc mang sắc thái thời chiến 'Bình tĩnh và bước tiếp' trong những ngày đầu định hình sự nghiệp", bình luận viên Eloise Parker nhận định.
Thanh Danh (Theo Al Jazerra, Guardian)