Tôi học ngành tự nhiên nhưng lại rất thích văn học phương tây như văn học Anh, Pháp nên thường sống theo lý trí. Trước kia tôi không tin lắm vào luật nhân quả nhưng qua chuyện bất trắc của hai gia đình hàn xóm, tôi đã có dịp nhìn lại mình hơn.
Tôi thấy rằng nếu mình làm việc không tử tế, có thể đời mình không sao nhưng rất có thể đời con, đời cháu, đời chắt... mình sẽ lĩnh hậu quả. Nhân quả có thể sẽ tuần hoàn và rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá theo cách không thể ngờ tới.
>> 'Đốt giấy tiền vàng mã làm cho người sống cảm thấy thanh thản hơn'
Khi viết Thế giới phẳng thì Internet vẫn chưa phát triển mạnh nhưng nhà báo Thomas Friedman đã nói, đại ý: Người ta muốn biết mình là ai thì họ sẽ tra cứu là sẽ biết ta là ai.
Người Mỹ sống theo chủ nghĩa cá nhân, việc ai làm người đó chịu. Tuy vậy chắc họ cũng "Không thể hy vọng gì ở những kẻ thích bạo lực", họ cũng khó bầu cho ứng cử viên tổng thống nào có người thân hay là hậu duệ của những người xấu.
Còn một đất nước muốn hạnh phúc thì phải có tính nhân văn sâu sắc, các nước phát triển hàng đầu thế giới như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy luôn có chỉ số hạnh phúc, phát triển con người đứng hàng đầu thế giới, là những nước rất nhân bản. Họ không có án tử hình nhưng tội phạm cũng không nhiều (tên Anders Behring Breivik gây ra vụ khủng bố ở Na Uy năm 2011 làm chết 77 người nhưng chỉ có mức án 21 năm), vẫn là những nơi đáng sống nhất trên thế giới. Suy nghĩ như vậy nên tâm tôi luôn hướng thiện.
Hàng ngày tôi đều cố gắng làm người tử tế, đơn giản là thấy cần phải làm thế chứ chẳng phải mong làm thế để được điều này điều nọ. Tôi thấy cần phải cứu cái cây hay giúp đỡ người khác. Mọi việc làm đều rất thành tâm, ngay cả việc cúng bái, lễ lạt.
Với chúng ta, nhiều năm gần đây đã có rất nhiều chùa chiền được xây mới cực kỳ hoành tráng, có rất nhiều lễ hội được khôi phục nhưng bức tranh đạo đức của toàn xã hội vẫn nhiều câu hỏi. Điều này đã làm những người có lương tri rất đau lòng.
>> Người Mỹ định lên sao Hỏa ở, người Việt tràn ra đường cúng sao giải hạn
Có nhiều người đi lễ cầu những điều đao to búa lớn như quốc thái dân an nhưng lại xả rác bừa bãi ra đường, thậm chí ngay tại những nơi tôn nghiêm. Ra đường thấy người rơi tiền thì lại hôi của, rất phản cảm.
Hãy biến những điều nguyện cầu cho đất nước đó bằng những hành động thực tế. Đừng phá hoại môi trường, đừng vượt đèn đỏ... là những ai cũng có thể làm được.
Những điều "nhỏ nhoi" này hơn vạn lời cầu nguyện sáo rỗng. Nếu cứ tiếp tục cầu nguyện sáo rỗng mà không làm những điều "nhỏ nhoi" như vậy thì những điều khủng khiếp như dịch Covid - 19 rất có thể sẽ xuất hiện thường xuyên.
Dịch Covid-19 là lời cảnh báo đanh thép để loài người sớm thức tỉnh trong việc đối xử với tự nhiên. Nếu những hành động tàn phá tự nhiên không dừng lại thì trong tương lai chúng ta sẽ phải đối diện với thiên tai, địch họa thường xuyên bởi càng tác động để thay đổi môi trường sống, chúng ta càng có khả năng phá vỡ hệ sinh thái và tạo cơ hội cho bệnh tật mới xuất hiện.
Đi lễ đầu năm như là tập tục trên đất nước. Có thể đi chùa, có thể đi lễ nhà thờ, thậm chí có thể lễ online khi có dịch bệnh. Để tập tục này ngày một đẹp hơn thì việc lễ lạt cũng cần phải thực tâm hơn.
Tôn giáo nào thì cũng hướng con người đến điều thiện. Đi lễ quan trọng nhất là sự thành tâm, "Thiện căn ở tại lòng ta" như cụ Nguyễn Du đã dạy.
Lễ gì thì lễ, cầu gì thì cầu, trước hết phải là người tử tế đã.
Phạm Xuân Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.