Cây xoài này được trồng ở đường quốc lộ đông người qua lại. Giá chỉ chừng vài triệu đồng nhưng giá trị nó mang lại như tạo bóng mát, cảnh quan thì quý hơn nhiều. Do gió to nên cây bị đổ.
Bao nhiêu người qua lại nhưng không ai thèm để ý, tôi thấy xót quá nhưng một mình thì chẳng thể nâng được nên gọi cho chủ đầu tư nhưng không được vì họ chưa thể thu xếp. Tôi bảo mấy người gần đó cùng nâng cây lên để trồng lại nhưng họ bảo không phải việc của họ, cây chết thì mặc cây chết.
Cây đổ được khoảng một tuần thì chủ đầu tư mới thu xếp về để trồng lại nhưng lúc đó cây đã héo rồi, thành ra dù được trồng lại nhưng cây đã bị chết.
Tôi đã từng cứu rất nhiều cây ở quê mình do nhiều lý do mà các cây đó bị bức hại, chẳng hạn khi mà đến mùa gặt nhiều người đã chất rơm rạ ở gốc cây rồi đốt để lấy tro. Nhìn thấy cây nào bị chất rơm rạ ở gốc cây là đêm tối tôi lại phải ra bốc rơm rạ đi bởi nếu không thì đêm họ sẽ đốt, vô tình làm cây chết. Việc này làm ban ngày cũng được nhưng nhiều người lại bảo tôi bị điên vì đó không phải là cây của mình.
Với cây xoài này thì tôi đã tìm mọi cách để trồng lại nhưng cũng có rất nhiều người đã cười nhạo, có người bảo tôi điên. Bức xúc quá tôi đã gây gổ với người này. Bình thường tôi vẫn là người rất bình tĩnh nhưng hôm đó tôi thực sự bức xúc. Một phần nguồn cơn của bức xúc đó là khi tôi nghĩ rằng môi trường sẽ đi về đâu nếu có nhiều người vô tâm đến thế. Đặc biệt là những người này những người này có rất nhiều người trẻ có trình độ.
Phải mất những mất bao nhiêu công sức để trồng xoài này cũng như nhiều cây khác nhưng cây đổ lại mặc kệ, thậm chí lại bức hại cây như đốt rơm rạ làm cây chết.
Ai cũng muốn môi trường trong sạch nhưng lại ngang nhiên đổ rác, phóng uế bừa bãi, chỉ có lo sạch mỗi nhà mình; ai cũng than tắc đường nhưng lại ngang nhiên vượt đèn đỏ, lấn làn...
Ai cũng kêu xã hội hình thức nhưng lại vẫn cứ tìm cách để mua bằng nọ bằng kia để lên chức. Người thanh niên bị ngã xe nhưng bao nhiêu người đi qua vẫn bỏ mặc làm anh bị xe khách vô tình cán chết, gia đình và vợ con anh sẽ ra sao đây? Người tài xế khốn khổ kia sẽ sống cuộc đời còn lại như thế nào đây? Bao nhiêu cánh đồng mênh mông trước kia đầy chim chóc, tôm cá mà giò đây không có một con ếch, con nhái, con tôm, con cá... vì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ được dùng vô tội vạ, như thế thì con người sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào.
Hình ảnh tê tái của cây xoài quê tôi bị chết do sự vô tâm của con người nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng rằng: Nếu không có chế tài mạnh mẽ để bảo vệ và chăm sóc những cây này sau khi trồng thì những đề án trồng cây xanh sẽ khó mà thành công mỹ mãn được.
Để thay đổi "não trạng" của nhiều người khi họ vô tư bức hại hoặc bỏ mặc cây cối công cộng, chống ô nhiễm môi trường nhưng người gom rác đi trước thì người xả rác đi sau, vô tư xả rác ra môi trường vì đó không phải là nhà của mình... thật là gian nan.
Vừa khuyến khích những hành động đẹp về trồng và chăm sóc cây nhưng cũng phải nghiêm khắc, thậm chí cần xử lý hình sự với những người chặt phá cây cối, gây ô nhiễm môi trường. Singapore sở dĩ xanh, sạch, đẹp vì họ rất nghiêm với những hành vi như xả rác, vi phạm bảo vệ môi trường.
Với bản thân mỗi người chúng ta thì ngoài những hành động tốt đẹp như bảo vệ cây cối, môi trường...thì mỗi chúng ta cũng cần lên tiếng phê phán những hành động chặt phá, bức hại cây cối. Lên tiếng cũng khó có nhiều chuyển biến vì đó còn là vấn đề văn hóa nhưng chúng ta vẫn cần phải lên tiếng để cuộc sống trở nên ngày một tốt đẹp hơn.
Người Pháp có câu: Những điều ta nghĩ đến thì có thể làm được, chúng ta nghĩ và mong muốn về một xã hội nhân văn, trung thực thì chúng ta sẽ có thể có ngày được sống trong xã hội đó.
Phạm Xuân Anh
>>Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.