Đi bộ (racewalking) thoạt đầu là một trò chơi thi của giới quý tộc Vương quốc Anh ở thế kỷ 19. Nhưng sau khi được du nhập vào Mỹ trong làn sóng di cư sang miền đất mới, nó trở nên phổ biến cho nhiều tầng lớp tham gia và trở thành trò tiêu khiển đại chúng, với những cuộc thi mà người tham gia đi bộ gần 1.000km trong 6 ngày liền tại các nhà thi đấu đông đặc khán giả. Trò này ngày càng thu hút đông người chơi và khán giả - những người thường đặt cược tiền cho người chơi phải bỏ cuộc sớm nhất.
Từ một trò tiêu khiển, đi bộ về sau được luật hoá thành một môn thể thao ở chính quê hương của nó - Anh quốc. Các quy định cơ bản được ban hành và đi bộ sớm được công nhận như một môn thể thao nhà nghề. Đến đầu thế kỷ 20, đi bộ lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic 1904 tại St. Louis, Mỹ, với chỉ nửa dặm, như là một phần trong nội dung "toàn năng" - tiền thân của 10 môn phối hợp (decathlon) ngày nay. Đến kỳ Olympic 1908, các cuộc đua riêng, ở cự ly 1.500m, 3.000 mới được bổ sung.
Tự bản thân tên gọi của môn thể thao này đã định nghĩa nó, khi VĐV phải đi bộ nhanh nhất có thể trên đường về đích. Tuy nhiên, có rất nhiều quy định đi kèm để đảm bảo người chơi phải tuân thủ đúng kỹ thuật và đúng luật.
Hiện có hai luật quan trọng về đi bộ. Thứ nhất, ngón cái chân phía sau của VĐV không được rời mặt đất trước khi gót chân trước chạm đất. Thứ hai, chân trụ của VĐV phải duỗi thẳng từ điểm chạm đất và giữ nguyên cho tới khi cơ thể vượt qua điểm chạm đó.
Các luật này được giám sát bằng mắt thường mà không có sự trợ giúp của bất kỳ thiết bị nào. Vì thế, các VĐV thường rời cả hai chân khỏi mặt đất trong khoảng vài mili giây mỗi bước, điều có thể được phát hiện thông qua băng ghi hình nhưng thường khó phát hiện với mắt người thường.
Nhà vô địch đi bộ Olymic người Canada Inaki Gomez cũng thừa nhận việc lách luật như thế. Anh từng nói trên tờ The Star "Mắt của bạn chỉ có thể bắt kịp các chuyển động chậm hơn tốc độ 0,6 giây, nên những VĐV nhấc cả hai chân khỏi đất trong thời gian ngắn hơn chừng đó sẽ không bị phát hiện là phạm luật".
Tùy cự ly thi đấu, sẽ có từ 5 đến 9 trọng tài giám sát các VĐV đi bộ bằng mắt thường của họ. Các trọng tài này sẽ mang theo hai tấm thẻ màu vàng để nhắc nhở những trường hợp phạm luật với biểu tượng (~) cho "nhấc cả hai chân khỏi mặt đất" và (<) cho "chân trụ không duỗi thẳng".
Nếu một VĐV bị phạt ba thẻ từ các trọng tài khác nhau, trong đó có trọng tài chính, VĐV đó sẽ bị truất quyền thi đấu. Khi đó, trọng tài sẽ rút ra một thẻ khác - thẻ đỏ - để thông báo về việc loại VĐV khỏi đường đua.
Đi bộ hiện có các cự ly 3000m, 5000m với các giải trong nhà, 5000m, 10.000m, 20.000m và 50.000m với đường đua ngoài trời, thường là trong các sân vận động. Còn khi ra đường giao thông bình thường được khóa để phục vụ thi đấu, VĐV sẽ thi các cự ly 10km, 20km và 50km. Tại Olympic - đấu trường có quy chuẩn cao nhất - ngày nay, đi bộ có các nội dung 20km cho nam và nữ, và 50km riêng cho nam.
Theo World Athletics, ở hạng mục nữ, kỷ lục thế giới hiện đều thuộc về các VĐV Trung Quốc, với 1 giờ 23 phút 49 giây cự ly 20km do Yang Jiayu lập ngày 20/3/2021, và 3 giờ 59 phút 15 giây cự ly 50km do Liu Hong lập ngày 9/3/2019. Ở hạng mục nam, hai kỷ lục này lần lượt là 1 giờ 16 phút 36 giây cự ly 20km do VĐV Nhật Bản Yusuke Suzuki lập ngày 15/3/2015, và 3 giờ 32 phút 33 giây do VĐV Pháp Yohann Diniz lập ngày 15/8/2014.
Ở khu vực Đông Nam Á, đi bộ cũng nằm trong chương trình thi đấu của gần như mọi kỳ SEA Games, nhưng chỉ phổ biến có cự ly 20km nam - nữ. Kỷ lục nam của Đại hội Thể thao Khu vực hiện là 1 giờ 29 phút 13 giây của VĐV Malaysia Harbans Singh Narinde lập tại Jakarta 1997. Còn kỷ lục nữ thuộc về huyền thoại điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Phúc với 1 giờ 37 phút 8 giây lập tại Nay Pyi Taw, Myanmar 2013.
Thanh Phúc hiện vẫn còn thi đấu và cùng em trai cô, Nguyễn Thành Ngưng thống trị các cuộc thi trong nước. Ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 ngày 18/12 vừa qua, cũng với cự ly 20km, Thanh Phúc đoạt HC vàng nữ với kết quả 1 giờ 42 phút, còn Thành Ngưng đoạt HC vàng nam với 1 giờ 32 phút.
Nhật Tảo