Không khí trong căn phòng mỗi lúc một nóng lên, khi màn hình lớn liên tiếp xuất hiện các bang chiến thắng của mỗi ứng viên, kèm theo đánh giá tức thì của các bình luận viên. Cuộc đua sít sao dần đổi chiều, với lợi thế nghiêng về phía ông Trump. Khi đó, cả nước Mỹ mang niềm tin lớn "bà Hillary có thể đắc cử", theo như hầu hết các dự báo, cán bộ ngoại giao các nước, kể cả Việt Nam, đều "bất ngờ" đón nhận kết quả: Trump thắng, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Từ khoảng 21h30, khi chiều hướng nghiêng về Trump đã rõ, Đại sứ quán Việt Nam không "mấy hồi hộp như lúc đầu nữa". Việc đầu tiên với họ là phải "sơ bộ báo cáo về", theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh khi đó.
Ba vấn đề chính được sứ quán mang ra mổ xẻ. Thứ nhất, Trump thắng cử cho thấy giới quan sát đã sai, vậy Việt Nam cần tìm ai để tham vấn nhằm giữ đà quan hệ với chính quyền mới? Thứ hai, Trump chỉ đưa ra khẩu hiệu chung trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", mà không có cương lĩnh cụ thể, do đó không rõ chính sách đối ngoại của ông với châu Á - Thái Bình Dương là gì? Thứ ba, đội ngũ của Trump chưa xuất hiện những người chủ chốt, vì thế Việt Nam khó hình dung về "gương mặt của chính quyền mới".
Trên thực tế, các vấn đề này đã nằm trong tính toán của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ từ khi hai ứng viên khởi động chiến dịch chạy đua vào đầu 2016. Từ chặng đầu, khi dư luận Mỹ và thế giới "choáng ngợp" trước ưu thế của đại diện đảng Dân chủ, Đại sứ quán xác định "khả năng bà Clinton thắng cử chỉ nên ở ngưỡng 65%, để dành sức lực cho phương án còn lại vì mình ở tiền tuyến". Giới chức Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nhanh chóng chia ra các mũi, theo dõi sát chiến dịch của hai bên và dư luận, tham dự các sự kiện liên quan, kết nối với các chính trị gia có ảnh hưởng ở hai đảng và giới nghiên cứu.
Thế nhưng, vào đêm Trump đắc cử, họ đối diện với hàng loạt câu hỏi như: cái riêng trong chính sách của Trump là gì? Tân Tổng thống biết gì về Việt Nam? Những ai thực sự sẽ nắm các vai trò chính ở Nhà Trắng trong số các lựa chọn từ chiến dịch tranh cử của Trump?
Theo đánh giá của Đại sứ quán, Mỹ là đối tác lớn, có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhưng tân Tổng thống Mỹ lại là một tỷ phú, đi lên từ khối doanh nghiệp, chưa chắc đã biết về Việt Nam. Nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam là tìm cách giữ được đà quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã có trong suốt 8 năm qua, dưới thời Tổng thống Dân chủ Barack Obama. Để thực hiện được mục tiêu này, cơ quan ngoại giao Việt Nam xác định phải kết nối với chính quyền Trump để "giới thiệu" về các giá trị trong quan hệ Việt - Mỹ. Nhưng Trump chưa từng tham gia chính trường nên việc tiếp cận gặp không ít khó khăn. Một số cán bộ của Đại sứ quán đề xuất cần có thêm thời gian để tham vấn. Ý kiến đó không được ông Vinh đồng tình, ông cho rằng Việt Nam khó thể hỏi ai về Trump, vì gần như cả nước Mỹ đã đoán sai kết quả. Với quan sát từ chiến dịch chạy đua của Trump, ông Vinh nhận định điều sẽ chắc chắn tồn tại trong 4 năm tiếp theo là "chữ Trump".
"Cách tốt nhất của Việt Nam là tiếp cận trực tiếp tân Tổng thống Mỹ, vì chúng ta không biết ai có thể là trung gian", ông Vinh nhớ lại đề xuất đã được lãnh đạo Việt Nam nhất trí.
Tự cảm thấy kế hoạch này "khá mạo hiểm" nhưng ý nghĩ "tại sao không thử" đã thôi thúc ông Vinh và giới chức ngoại giao Việt Nam. Lần lại danh sách bạn cũ, họ tìm được liên hệ của các quan chức Mỹ đã kết giao trong suốt 7 năm ông Vinh làm Trưởng nhóm quan chức cấp cao Việt Nam trong ASEAN (SOM), từ 2007. Qua những người này, gồm cả người đương chức và đã rời chính trường, sứ quán kết nối với Tổ chức Trump (Trump Organization), cơ quan thực hiện chiến dịch tranh cử của Trump. Từ đó, họ có thêm vô số email và điện thoại, dẫn đến một địa chỉ mà đến nay ông Vinh "cũng chưa biết mặt". Khi đó, các nhà ngoại giao Việt Nam nêu đề xuất lãnh đạo Việt Nam mong muốn có một cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Trump. Nội dung gồm chúc mừng tân tổng thống và khẳng định tầm quan trọng của quan hệ giữa hai bên.
Sau khi "người giấu mặt" tiếp nhận thông tin, ông Vinh thực hiện một số chuyến đi đến New York để gặp gỡ thêm những người liên quan. Đến đầu tháng 12/2016, khi đang trên đường từ New York trở về Washington D.C, ông Vinh nhận được thông báo "sẽ có điện đàm" vào 14/12.
"Khi đó tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì nỗ lực của mình đã mang lại kết quả, nhưng lo vì không được gặp trực tiếp các mối liên hệ, sợ có bất trắc", ông Vinh nói.
Để trấn an bản thân, ông Vinh đề nghị được có mặt tại căn phòng Tổng thống Trump điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, để hỗ trợ cuộc trao đổi. Tuy nhiên, đại diện của Trump Organization cho biết không rõ Tổng thống lúc đó sẽ ở đâu vì ông dùng vệ tinh để kết nối. Trong cuộc điện đàm ngày 14/12, Thủ tướng Việt Nam chúc mừng ông Trump đắc cử, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ. Về phía mình, ông Trump bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, cho biết Tổng thống Trump có thái độ rất cởi mở, trông đợi gặp lãnh đạo Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Thông tin về điện đàm của Tổng thống đắc cử Trump với Thủ tướng Việt Nam lan truyền nhanh chóng trong giới ngoại giao ở Washington D.C và trên mạng xã hội, khi Trump Organization thông báo về các hoạt động của tân tổng thống trên Twitter.
Đại sứ Vinh sau đó bất ngờ nhận được lời mời dự tiệc mừng Trump đắc cử vào 17/1, ba ngày trước khi tân Tổng thống chính thức nhậm chức. Các khách mời có nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền sau này, như Mike Pence, Phó tổng thống, Rex Tillerson, Ngoại trưởng, Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp, Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính, Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại. Ông Vinh là đại sứ duy nhất ở Đông Nam Á tham dự, cùng đại diện các nước châu Âu khác.
Nhìn lại khoảng thời gian đó, cựu đại sứ Vinh cho rằng hầu hết các nước trên thế giới đều quan sát và chờ đợi chính quyền Trump công bố chính sách đối ngoại chung. Trong ASEAN, các nước đều ngần ngại trước khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và thiên về nghe ngóng. Trong khi đó, sự chủ động của Việt Nam đã mang lại kết quả.
"Chúng tôi chủ động, nhưng được ban lãnh đạo ở nhà hỗ trợ và ủng hộ nhiều lắm. Việt Nam đã tiếp cận từ rất sớm và đã tiếp tục phát huy được đà quan hệ. Đó là liên hệ được trực tiếp, chứ thông thường, qua thủ tục lễ tân, chưa biết kết quả sẽ ra sao", ông Vinh nói.
Sau trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump, Đại sứ Vinh miêu tả mọi chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam "đều diễn ra suôn sẻ". Trong tháng 1/2017, ông Vinh gặp lại người bạn cũ Matthew Pottinger, người sau đó được bổ nhiệm làm trợ lý Tổng thống về châu Á - Thái Bình Dương, hiện là phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Vào tháng 4/2017, hai tháng sau khi Việt Nam đề nghị có chuyến thăm của Thủ tướng đến Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã trao thư mời qua Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào giữa 2017 trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á thăm Mỹ. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, lãnh đạo Việt Nam cùng thông qua tuyên bố chung về hợp tác, chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại trị giá khoảng 10 tỷ USD với Mỹ.
Mục tiêu tiếp theo "cần chinh phục" của Việt Nam là mời Tổng thống Mỹ Trump dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng và thăm chính thức tại Hà Nội vào cuối 2017.
Với tinh thần tổ chức bằng được "chuyến thăm kép" của ông chủ Nhà Trắng, Đại sứ Vinh tham dự nhiều cuộc tiếp xúc của chính quyền Trump dành cho các đại sứ để tìm ra "chìa khoá". Ông đặc biệt lưu ý đến phát biểu của bà K. T. McFarland, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ lúc đó, rằng Mỹ cần các nước chia sẻ về chính mình và quan hệ với Washington. Phát biểu của bà McFarland củng cố thêm quan điểm của ông Vinh, về việc cần chủ động "giới thiệu về giá trị quan hệ song phương", khi tân Tổng thống Mỹ là người ngoài giới chính trị.
Giữa tháng 9/2017, Trump tuyên bố với báo chí sẽ công du châu Á vào tháng 11, trong đó có Việt Nam nhưng chỉ nhắc đến "một hội nghị", không đề cập trực tiếp Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
"Tôi cho rằng chính quyền Mỹ rất thẳng thắn và sẵn sàng lắng nghe. Khi chia sẻ điều này, tôi nhận được sự phối hợp rất lớn từ trong nước, để xúc tiến kế hoạch theo định hướng", ông Vinh nói.
Việt Nam dồn dập thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định với Mỹ rằng chuyến thăm đầu tiên của tân Tổng thống không chỉ là câu chuyện tăng cường hợp tác song phương, mà còn là nơi phát ra thông điệp với châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền mới. Washington cần cân nhắc về địa điểm nếu muốn bày tỏ mong muốn hợp tác với cả nước lớn và nước nhỏ, dựa trên cơ sở bình đẳng và thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ.
Trong bài phát biểu tại APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017, Tổng thống Trump lần đầu tiên tuyên bố về Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Ông cho hay khu vực này là nơi các quốc gia độc lập và chủ quyền, với những nền văn hóa đa dạng và nhiều giấc mơ khác nhau, có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình. Cựu đại sứ Vinh cho rằng trong số 5 điểm đến của Trump ở châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, nếu Tổng thống Mỹ phát biểu ở ba nước đầu tiên, gồm hai đồng minh và một đối thủ, thông điệp sẽ không mang tính toàn diện, nếu ông chọn nước cuối cùng trong chuyến công du, thông điệp khó có sự lan toả. Vì thế dường như Đà Nẵng là nơi tốt nhất để Mỹ phát ra thông điệp về Tầm nhìn mới, khi Việt Nam là cầu nối ở khu vực và nối hai đại dương. Chính quyền Mỹ khi đó có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận với các vấn đề đa phương, liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, vai trò của các thể chế. Việt Nam trong vai trò đăng cai Hội nghị APEC đã giúp dung hoà lợi ích các bên, khi có Mỹ tham dự.
Về khả năng Trump đến Hà Nội thăm chính thức, cuối tháng 10/2017, Đại sứ Vinh vẫn nhận được thông tin từ các trợ lý thân cận của Tổng thống, đề nghị chuẩn bị các tiếp xúc cấp cao ở Đà Nẵng. Lý do được nêu lên là "thời gian eo hẹp và các thủ tục lễ tân, hậu cần". Chuyến công du châu Á của Trump kéo dài 12 ngày, là chuyến đi dài nhất của một tổng thống trong 25 năm qua, nên khó chèn thêm một điểm dừng trong lịch trình. Theo thông lệ, khi tổng thống Mỹ đến một điểm, cần có hai đội an ninh, trong đó có một đội tiền trạm với lượng lớn trang thiết bị hiện đại. Hai nhóm này cần luân chuyển liên tục trong 5 nước châu Á Trump đến thăm. Thế nhưng, đúng như trông đợi của Việt Nam, sau khi dự APEC đầu tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã bay ra Hà Nội thăm chính thức, hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là Trần Đại Quang.
"Tôi cho rằng việc Trump đến Hà Nội, vượt qua các quy định về lễ tân của Mỹ, chủ yếu là quyết định của cá nhân ông. Có thể Trump nhận thấy tầm quan hệ và vị thế của Việt Nam trong hợp tác với Mỹ", cựu đại sứ Vinh đánh giá. "Câu chuyện tổ chức được 'chuyến thăm kép' của ông chủ Nhà Trắng, vừa dự APEC vừa thăm Việt Nam, vừa có cả vị thế quan hệ hai nước, vị thế Việt Nam, vừa có cả cái khéo léo của ngoại giao Việt Nam", ông Vinh nói.
Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Mỹ đã nêu một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử, là muốn có thương mại công bằng trên phạm vi toàn cầu, đem lại nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ. Vấn đề cần điều chỉnh trong quan hệ song phương Việt - Mỹ là giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Trump nhấn mạnh Mỹ muốn giành lại lợi ích nhưng không đi một mình, mà muốn hợp tác với các nước để có sự bình đẳng và có trật tự dựa trên luật lệ. Trong và sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Trump liên tiếp đăng bài trên Twitter, gồm một số đoạn phát biểu tại APEC, cảm ơn lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Ông ca ngợi chuyến đi là "tuyệt vời".
Đà hợp tác Việt - Mỹ trong suốt 4 năm sau đó ngày càng được tăng cường. Một trong những minh chứng sống động nhất là Việt Nam được chọn làm điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào đầu 2019. Cả Mỹ và Triều Tiên đều bày tỏ tin tưởng với Việt Nam là nơi phù hợp, để thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Những hành động cho thấy thiện cảm của Trump dành cho Việt Nam tiếp tục được thể hiện khi ông đến Hà Nội lần hai.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi đại dịch Covid-19 gây tổn thất lớn cho tất cả các nước, cựu đại sứ Vinh cho rằng chưa khi nào thế giới đứng trước tình trạng "khó hợp tác như vậy". Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh chiến lược khiến lòng tin xuống mức rất thấp, nhưng hai bên không phân tuyến đến mức triệt tiêu nhau như thời Chiến tranh Lạnh. Không bên nào "đủ sức" yêu cầu nước khác đi với mình và chống lại bên kia, nên các quốc gia vẫn có không gian để xem xét lợi ích quốc gia của mình để hành xử.
Để duy trì "giá trị" của mình, các nước, trong đó có Việt Nam cần thể hiện sự vững vàng của mình, phát huy vai trò ở khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có thể duy trì chính sách độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các nước, trên cơ sở bình đẳng, không làm hại đến nhau, nhìn vào lợi ích quốc gia để "đẩy" quan hệ với các đối tác. Trên Biển Đông, ông Vinh đánh giá lợi ích sát sườn của Việt Nam là hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải và chủ quyền. Khi có khác biệt và tranh chấp, các nước liên quan cần dựa trên luật pháp quốc tế và thoả thuận trong khu vực để ứng xử.
Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ sau 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, cựu đại sứ Vinh cho rằng hai nước từ cựu thù trong chiến tranh đã đi đến thống nhất rất nhiều vấn đề mang tính nền tảng. Hai bên tôn trọng độc lập, chủ quyền, chế độ của nhau, có nhiều cơ chế để đối thoại mang tính xây dựng về những khác biệt, phối hợp nhiều hơn trong khuôn khổ của khu vực, trong đó có ASEAN.
Theo ông Vinh, xét trong tổng thể quan hệ của Việt Nam và các nước khác, hợp tác Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và tầm chiến lược, trên cả trên bình diện song phương và hợp tác khu vực, quốc tế, cho dù hai bên sau này có đặt tên quan hệ là gì. Hợp tác hai nước dựa trên một số nền tảng cốt yếu, là sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, chia sẻ lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
"Hiểu biết lẫn nhau đã giúp Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh, điều đó cần được tăng cường hơn nữa để xử lý khác biệt và đan xen lợi ích của hai bên trong các mối quan hệ quốc tế ", ông Vinh nói.