Khi Tổng thống Bill Clinton ngày 11/7/1995 tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain gọi đây là "quyết định đòi hỏi sự can đảm".
Ngày 11/7/1995 đánh dấu "quả ngọt" sau một quãng thời gian dài quá trình thương lượng gặp nhiều chông gai, do những nghi kỵ xuất phát từ cuộc chiến khốc liệt đã kết thúc.
Việt Nam và Mỹ có những động thái đầu tiên thể hiện mong muốn bình thường hóa quan hệ với các cuộc tiếp xúc năm 1977 và 1978 dưới thời chính quyền Jimmy Carter, hai năm sau khi Tổng thống Gerald R. Ford tháng 5/1975 áp đặt cấm vận thương mại với Việt Nam. Ngày 4/5/1977, chính quyền Carter đồng ý để Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, đàm phán bế tắc do hai bên không đạt được thỏa thuận về bồi thường chiến tranh, tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA). Tháng 9/1990, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gặp người đồng nhiệm James Baker tại New York, đánh dấu cuộc gặp cấp cao chính thức đầu tiên giữa hai chính phủ từ sau Hiệp định Paris 1973. Hai ông đã thống nhất lộ trình bình thường hóa quan hệ.
"Đó là một tài liệu mang tính cột mốc", Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC), người tham gia vào quá trình đàm phán trước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, từng nói với VnExpress.
"Khi nhìn vào bản kế hoạch thống nhất giữa ông Baker và ông Thạch, chúng tôi kêu trời, vì nó rất chi tiết và dài. Chúng tôi nhận thấy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ rất khó khăn và quả thực nó như vậy", bà Foote nói thêm. "Tuy nhiên, nó vạch ra con đường cụ thể để mọi người đi theo và làm rõ các bước cần tiến hành là gì, theo khung thời gian nào".
Sau cuộc gặp trên, cơ quan chính thức đầu tiên của Mỹ được thiết lập tại Việt Nam. Văn phòng tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA) của Mỹ đi vào hoạt động tại Hà Nội tháng 7/1991. Tuy nhiên, thời gian đầu mối quan hệ giữa hai bên có nhiều khó khăn vì Mỹ vẫn tin Việt Nam còn giam giữ tù binh sau chiến tranh.
Tháng 11/1991, Mỹ cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Mỹ thăm Việt Nam. Các địa điểm lịch sử và di tích chiến tranh trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Tổng thống Mỹ George H. W. Bush tháng 12/1992 cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký kết hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ. Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại Việt Nam - Mỹ (VATICO) là công ty đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào tháng 4/1993. "Chúng tôi đang nói với Việt Nam rằng đây là công ty đầu tiên của Mỹ chân thành mở cửa để làm ăn với Việt Nam và chúng tôi muốn mời gọi Việt Nam hợp tác", James Rockwell, một trong những người tham gia sáng lập văn phòng VATICO ở Việt Nam, nói vào năm 1993.
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton thực hiện một bước đi lịch sử là dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Các thương hiệu lớn của Mỹ bắt đầu đổ về Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Tháng 1/1995, Mỹ mở văn phòng liên lạc tại số 7 Láng Hạ, Hà Nội với người đứng đầu là cựu đại úy James Hall. Đồng thời, Văn phòng liên lạc của Việt Nam tại Washington D.C, do ông Lê Văn Bàng đứng đầu, cũng bắt đầu hoạt động. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới quyết định lịch sử là Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngày 11/7/1995.
"Những gì chia cách chúng ta trước đây, hãy để chúng lui vào quá khứ", Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói khi thông báo quyết định tại Nhà Trắng. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh quyết định này phù hợp với xu hướng của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, cũng như trên thế giới.
"Phần lớn người Mỹ hiểu rằng sau 20 năm, sẽ chẳng đạt được lợi ích gì nếu tiếp tục một cuộc chiến với một đất nước không hề đối đầu họ", Thượng nghị sĩ John Kerry nói.
Một trong những nút thắt được gỡ để mở ra quan hệ hai nước là vấn đề tìm kiếm quân nhân mất tích Mỹ. "Vấn đề POW/MIA có đóng góp rất lớn với việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. POW/MIA đã từng bước từng bước một để làm cho hai nước đến gần nhau", ông Đào Văn Kính, nguyên chỉ huy trưởng cơ quan MIA, từng cho biết. Sau hơn 30 năm hợp tác, Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm 770 hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Tháng 8/1995, Việt - Mỹ mở đại sứ quán ở nước đối phương và trao đổi đại sứ vào tháng 5/1997. Hai nước ký kết Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) vào tháng 7/2000.
"Từ quá khứ cay đắng, chúng ta gieo trồng hạt giống cho một tương lai tốt đẹp hơn", Tổng thống Bill Clinton nói khi thông báo về lễ ký kết.
Hiệp định đi vào hiệu lực từ tháng 12/2001. Tất cả hàng hoá xuất từ Việt Nam sang Mỹ được hưởng mức thuế quan tối huệ quốc, hay còn gọi là quan hệ thương mại bình thường (NTR) vô điều kiện. Nguyên tắc cơ bản là khi hai bên dành cho nước thứ ba quy chế gì tốt nhất thì cũng phải dành cho bên kia như vậy.
Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên nguyên thủ Mỹ đến Việt Nam sau chiến tranh. Gia đình ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân. "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều chúng ta có thể thay đổi là tương lai", ông Clinton phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chiến hạm USS Vandegrift cập bến thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2003, trở thành tàu hải quân đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đây là hành động mang tính biểu tượng hướng tới việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải công du Mỹ, gặp Tổng thống George W. Bush, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam thăm Nhà Trắng sau chiến tranh. "Sự kiện này cho thấy quan hệ Việt - Mỹ thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới", Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu.
Mối quan hệ tiếp tục được vun đắp bằng các chuyến thăm của các lãnh đạo. Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du Mỹ, xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Quan hệ đối tác toàn diện tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, ngoại giao, thương mại - kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường - y tế, quốc phòng - an ninh, nhân quyền, văn hóa - thể thao, du lịch và giải quyết hậu quả chiến tranh.
Tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, đánh dấu bước phát triển đột phá trong quan hệ hai nước, thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Hai lãnh đạo ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt - Mỹ.
Năm 2016, Tổng thống Obama thăm Việt Nam ngày 23-25/5, tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Ông Obama cho biết động thái này nhằm đảm bảo Hà Nội được tiếp cận với vũ khí cần thiết để tự vệ. Nó cũng thể hiện cam kết của Mỹ nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, gồm cả quan hệ quốc phòng.
Tháng 11/2017, Tổng thống Trump thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Trong bài phát biểu trước lãnh đạo và doanh nhân các nền kinh tế thành viên (CEO Summit) ở APEC, ông nhắc đến Hai Bà Trưng khi nói về sự tự do, độc lập. "Những người yêu nước, anh hùng trong lịch sử nắm giữ câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta là ai, sứ mệnh của chúng ta là gì", ông nói.
"Cùng với nhau, chúng ta có sức mạnh để nâng người dân và thế giới lên những tầm cao mới chưa từng có. Hãy chọn tương lai của lòng yêu nước, thịnh vượng, niềm tự hào chứ không phải nghèo đói hay sự tôi tớ. Hãy chọn một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Khi thăm Hà Nội, Tổng thống Trump nói rằng "Việt Nam đã trở thành một điều kỳ diệu của thế giới" và nhấn mạnh Việt - Mỹ gắn kết vì "mục đích chung, lợi ích chung".
Tháng 3/2018, cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson cập Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đánh giá khi đưa tàu sân bay đến Việt Nam, Mỹ muốn khẳng định sẽ duy trì sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông. Về phía Việt Nam, Hà Nội cho thấy luôn chào đón Hải quân Mỹ khi lực lượng này đóng góp vào bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực.
Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), nhận xét chuyến thăm cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đang được cải thiện ở nhiều cấp độ, kể cả lĩnh vực quân sự.
Tháng 2/2019, Tổng thống Trump trở lại Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn Việt Nam, cảm thấy ấn tượng với sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều đem lại vị thế mới cho đất nước", thể hiện tinh thần tích cực đóng góp vào công việc chung của thế giới.
Sau 25 năm, hợp tác Việt - Mỹ đã "đơm hoa kết trái" trong nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ tăng từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ.
Trong ba năm qua, lực lượng Tuần duyên Mỹ đã chuyển giao 24 xuồng tuần tra và tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam. Khi thăm Việt Nam tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam.
Các sĩ quan Việt Nam đang tiếp tục tham gia chương trình đào tạo quân sự chuyên nghiệp tại các trường tham mưu của Mỹ. Thượng uý Đặng Đức Toại ngày 31/5 trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng úy Toại là một trong hai phi công Việt Nam theo học khóa đào tạo kéo dài 52 tuần với máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II ở Mỹ.
Việt Nam có gần 30.000 sinh viên đang theo học ở Mỹ. Đại học Fulbright Việt Nam, cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động phi lợi nhuận thành lập năm 2016 tại TP HCM, được coi là minh chứng cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ song phương.
Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Việt - Mỹ cũng hợp tác để chống dịch hiệu quả. Mỹ hôm 17/4 công bố hỗ trợ 4,5 triệu USD cho Việt Nam nhằm ngăn chặn Covid-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hồi tháng 5 rót 3,9 triệu USD cho chi nhánh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó Covid-19.
Hồi tháng 4, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Cựu du học sinh Việt -Mỹ (VUSAC) tại Hà Nội tặng Mỹ 420.000 khẩu trang. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi cuối tháng 4 ra tuyên bố cảm ơn các đối tác ASEAN đã hỗ trợ đẩy mạnh cung cấp thiết bị y tế quan trọng cho Mỹ, trong đó có việc Việt Nam đẩy nhanh thủ tục thông quan cho các chuyến bay vận chuyển 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ sang Mỹ.
Trong thông điệp đánh giá quan hệ Việt-Mỹ nhân dịp hai nước sắp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, độc lập. Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ, "Việt Nam và Mỹ đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và quyết tâm táo bạo để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai", ông nói.
Phương Vũ