Chiều 20/10, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo Tờ trình, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi khoản 3 điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như với công an phường, thị trấn, đồn công an).
Theo đó, công an xã sẽ thêm trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
"Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm", bà Nga nói.
Theo bà, công an xã hiện được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Quy định như dự thảo sẽ giúp công an xã phát huy tốt được vai trò chính quy; giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, về thời điểm sửa đổi, bổ sung quy định này, Ủy ban Tư pháp còn có hai loại ý kiến. Đa số tán thành việc sửa đổi ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhưng cũng có ý kiến cần xem xét, đánh giá kỹ hơn về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.
Thời điểm xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, công an xã chưa được bố trí chính quy như công an phường, thị trấn, đồn công an nên không quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như các lực lượng trên. Nhưng căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã giống công an phường, thị trấn, đồn công an.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự về "tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố" và "tạm đình chỉ vụ án" do điều kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh.
Bà Nga cho hay, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị này. Trước tác động của tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Đồng thời, từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của Covid-19 cho thấy, Bộ luật Tố tụng hình sự cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh...
Khoản 1 điều 155 được đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần yêu cầu của bị hại.
Theo Ủy ban Tư pháp, khoản 1 điều 226 Bộ Luật hình sự quy định tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý. Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 điều 226 của Bộ luật hình sự như đề nghị sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.
Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban tư pháp đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 điều 155, khoản 8 điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 điều 226 của Bộ luật hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
Chính sách hình sự nhất quán từ trước đến nay là với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng) quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của Bộ luật hình sự thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Điều này dựa trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự.
Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thuộc khoản 2 điều này thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại.