Luật sư tư vấn
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Việt Nam áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử (cấp xét xử sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm). Giám đốc thẩm và tái thẩm không phải cấp xét xử mà là thủ tục xem xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp "đặc biệt".
Xét xử sơ thẩm
Tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng (khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm), tội phạm nghiêm trọng (3-7 năm tù) và tội phạm rất nghiêm trọng (7-15 năm tù), trừ người phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh...
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự sau:
- Các tội phạm không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực
- Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.
- Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành
- Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị; khi đó, vụ án phải được xét xử phúc thẩm.
Xét xử phúc thẩm
Xét xử phúc thẩm là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Bản án phúc thẩm, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Thủ tục giám đốc thẩm
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
- Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Thủ tục tái thẩm
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
- Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.
- Có tình tiết mà điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
- Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.
- Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Khi đó, Hội đồng tái thẩm căn cứ tình hình thực tế của vụ án để đưa ra quyết định phù hợp theo thẩm quyền, bao gồm:
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
- Hủy bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
- Hủy bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
- Đình chỉ việc xét xử tái thẩm.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM