Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nếu có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nhà chức trách có quyền thực hiện khám người theo thủ tục hành chính. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản.
Tương tự, quá trình khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được người chủ của nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ chứng kiến.
Nếu những người này vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn, nhà chức trách phải cần có đại diện chính quyền và 2 người chứng kiến.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không cho phép khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản.
Khám người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm theo thủ tục tố tụng hình sự
Theo khoản 1 điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc khám xét chỉ được tiến hành khi có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. Nếu có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan vụ án, nhà chức trách có thể khám xét những thứ này.
Điều 194 Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép "có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án".
Như vậy, một người bị khám xét không đồng nghĩa với họ bị khởi tố hoặc sắp bị khởi tố.
Lệnh khám xét phải được viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành. Trừ trường hợp khẩn cấp, công an có thể khám xét trước khi có phê chuẩn nhưng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh phải thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
Luật sư Kiều Anh Vũ
Công ty Luật KAV Lawyers