Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã đồng ý trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tại kỳ họp khai mạc ngày 20/10.
Tăng trách nhiệm là một trong sáu nội dung Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi. Cụ thể, khoản 3 Điều 146 được sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm với công an xã.
Theo quy định hiện hành, công an xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trong khi đó, đơn vị cùng cấp là công an phường, thị trấn, đồn công an ngoài trách nhiệm nêu trên còn được "tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ" đối với tin báo trước khi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Theo Ban soạn thảo, sự khác biệt này là phù hợp ở thời điểm Bộ luật được thông qua năm 2015, khi công an xã chưa bố trí công an chính quy. Tuy nhiên, sau khi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã trên phạm vi cả nước.
Khoảng 43.200 cán bộ công an chính quy đã về các xã, mỗi nơi đảm bảo tối thiểu 5 công an chính quy. "Do vậy, nếu vẫn giữ nguyên quy định trách nhiệm của công an xã như hiện nay thì không còn phù hợp tình hình thực tế", Ban soạn thảo nêu quan điểm.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) khẳng định, giao thêm trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã để tương đương với công an phường, thị trấn là "hoàn toàn khả thi và rất cần thiết".
Theo ông, giao thêm trách nhiệm sẽ phát huy nguồn lực của công an xã trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điều này giúp có điều kiện giải quyết ngay, khẩn cấp các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện. Công an xã sẽ kịp thời ngăn chặn hoặc giảm thiểu hậu quả do tội phạm gây ra, góp phần kéo giảm tội phạm.
Theo tính toán của Bộ Công an, công an cấp huyện đang phải tiếp nhận, giải quyết 70% tổng số tin báo tội phạm, riêng các tin báo do công an cấp xã cung cấp chiếm 65%. Đề xuất nói trên sẽ giúp giảm tải công việc cho công an cấp huyện.
Hiện, công an chính quy về xã đã tạo "luồng gió mới" về công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Năm 2018, tội phạm về trật tự xã hội giảm 0,61% so với năm 2017; năm 2019 giảm 7,39% so với năm 2018; năm 2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Do các nội dung sửa đổi cần ban hành ngay để giải quyết cấp bách những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 theo thủ tục rút gọn (quy trình một kỳ họp) tại kỳ họp thứ 2, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.