Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết như trên, ngày 8/6. Ông Cường cũng cho hay Cục Quản lý Dược đang làm việc để hội đồng tư vấn xem xét, đề xuất phê duyệt đối với vaccine của các hãng như Moderna, Johnson & Johnson...
Trước đó, Bộ Y tế đã đàm phán và ký hợp đồng mua vaccine với hãng Pfizer/BioNTech vào ngày 20/5. Hãng dự kiến cung ứng khoảng 31 triệu liều vào quý ba và bốn, mỗi quý 15,5 triệu liều. Hiện chưa có thông tin ngày về Việt Nam của số vaccine này.
Vaccine BNT162b2 do hãng dược Pfizer của Mỹ và đối tác là Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức phát triển trên công nghệ mRNA. Công nghệ này mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể, không gây bệnh, giúp hệ miễn dịch làm quen và tiêu diệt mầm bệnh.
Đây là vaccine đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp, vào năm 2020. Đến nay, có 103 quốc gia trên thế giới đang sử dụng vaccine Pfizer.
Các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng ở người trên 16 tuổi cho thấy vaccine có hiệu quả 95%. Ngày 2/4, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối, cho thấy vaccine hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa cả trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Miễn dịch tạo bởi vaccine kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều.
Cuối năm 2020, Pfizer công bố vaccine giá bán 39 USD cho một liệu trình hai liều tiêm, mỗi liều cách nhau 21 ngày. Tới tháng 4, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, cho biết giá bán vaccine ở nước giàu như Mỹ và châu Âu có thể cao hơn, còn các nước nghèo có thể mua vaccine với giá gốc.
Việt Nam đến nay đã phê duyệt khẩn cấp 3 loại vaccine Covid-19 là AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga) và Sinopharm (Trung Quốc).
Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng Covid-19 từ ngày 8/3, với vaccine của AstraZeneca. Tính đến 16h ngày 7/6, tổng cộng 1.340.098 liều vaccine Covid-19 đã được tiêm. Trong đó, 38.166 người được tiêm đủ hai liều.
Chi Lê