Sáng 3/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị đoàn chủ tịch sơ kết công tác mặt trận 6 tháng đầu năm 2020. Tổng thư ký Hầu A Lềnh cho biết, qua giám sát việc thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Mặt trận nhận thấy đa số địa phương nhanh chóng rà soát và chi trả hỗ trợ cho nhóm người có công với cách mạng; hộ nghèo và cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, việc xác định lao động tự do, hộ kinh doanh và hỗ trợ người sử dụng lao động... còn khó khăn do thiếu cơ sở để xác minh, chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động và chủ sử dụng lao động cung cấp. Hướng dẫn của Trung ương chưa rõ về độ tuổi của người lao động được hỗ trợ; gói cứu trợ 16.000 tỷ cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% trả lương người lao động hầu như dậm chân tại chỗ.
Qua giám sát, Mặt trận cùng nhiều cơ quan đã phát hiện có những người không đủ điều kiện vẫn được đưa vào danh sách nhận hỗ trợ, như người đã chết trước ngày 1/4/2020 hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Cũng có tình trạng người dân cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; trùng danh sách người được hỗ trợ... "Một số trường hợp không thuộc diện được hưởng hỗ trợ nhưng thực tế lại khó khăn", ông Lềnh nói.
Trước thực trạng đó, Phó chủ tịch thường trực Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Chính phủ dùng một phần kinh phí vận động ủng hộ phòng, chống dịch do Mặt trận phân bổ xuống để hỗ trợ những người không thuộc diện nhận tiền từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng. Đó là nông dân không tiêu thụ được sản phẩm; người lao động làm việc tại các Hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đăng ký kinh doanh; các cơ sở giáo dục ngoài công lập; đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động...
Đồng tình với đề xuất trên, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện phân bổ hỗ trợ. "Tuyệt đối không để tiền hỗ trợ vào nhà người giàu, còn người nghèo thì không được nhận", bà nói.
Cuộc phát động toàn dân tham gia phòng, chống Covid-19 bắt đầu từ giữa tháng 3, đến nay đã nhận được khoảng 2.000 tỷ đồng ủng hộ bằng tiền và hiện vật. Ở Trung ương, tính đến 31/5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận gần 945 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là hơn 820 tỷ; hiện vật quy ra tiền trị giá gần 125 tỷ đồng.
Trong hơn 539 tỷ đồng đã phân bổ thì 250 tỷ đồng chuyển đến Bộ Y tế; 255 tỷ đồng do các đơn vị đăng ký qua Mặt trận chuyển trực tiếp đến đơn vị cung ứng theo đề nghị của Bộ Y tế; hơn 20 tỷ ủng hộ chuyển thẳng về tài khoản của Bộ Y tế và hơn 14 tỷ chuyển đến bệnh viện, cơ sở y tế theo đề nghị của đơn vị ủng hộ.
Hiện vật quy ra tiền gồm gần 125 tỷ đồng đã phân bổ hết đến Bộ Công an, Quốc phòng, Y tế, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện K; Bệnh viện Bạch Mai, các khu cách ly tại Hà Nội... Số tiền còn lại chưa phân bổ là hơn 280 tỷ đồng (trong đó còn tại MTTQ Việt Nam là hơn 262 tỷ đồng; số tiền nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia hiện chưa chuyển về Ủy ban là hơn 18 tỷ đồng).
Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 800 tỷ đồng và hiện vật quy ra tiền mặt hơn 225 tỷ đồng.
Ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.
Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.