Báo cáo tại phiên họp Chính phủ sáng 5/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi Thủ tướng ký quyết định về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, các tỉnh, thành đã triển khai ngay và đến 15/5 sẽ cơ bản hoàn tất hỗ trợ cho bốn nhóm nêu trên.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành đã chi tiền hỗ trợ cho các nhóm còn lại, trong đó có lao động tự do và lao động mất việc làm do ảnh hưởng của Covid-19. "Từ 10/5, các địa phương tập trung giải quyết hỗ trợ cho hai nhóm này", ông Dung nói.
Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã ban hành các bộ nhận diện những người hưởng chính sách và hệ thống câu hỏi giải đáp nội dung liên quan; công bố tổng đài 111 và 6 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân. Trong 5 ngày qua, 46.600 lượt điện thoại gọi đến các đường dây nóng này, với trên 12.000 lượt câu hỏi đã được giải đáp tự động.
"Đến nay chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào về tiêu cực trong triển khai chính sách, đồng thời đảm bảo không tăng số lượng người hưởng cũng như số tiền chi theo tinh thần nghị quyết của Chính phủ", ông Dung nói.
Theo ông, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, số lao động trở lại tham gia thị trường đã tăng lên, nhất là lao động tự do và khu vực kinh tế dịch vụ. Số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tháng 4 là 102.000, tăng 9% so với tháng trước.
Đến cuối tháng 4, số lao động chấm dứt hợp đồng, mất việc trên toàn quốc là 670.000 người. Tuy nhiên, đầu tháng 5, một bộ phận người lao động đã bắt đầu đi làm trở lại.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ ngành, địa phương thực hiện tốt gói an sinh xã hội, không để xảy ra gian lận. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực bố trí việc làm cho lao động, tránh sa thải công nhân, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Theo nghị quyết của Chính phủ, khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ gián tiếp.